khoa văn

Phật Quang Đại Từ Điển

(科文) Cũng gọi Khoa chương, Khoa tiết, Khoa đoạn, Phân khoa. Giải thích các kinh luận bằng cách chia nội dung thành từng phần, từng đoạn, rồi tóm tắt chỗ cốt yếu của nội dung mỗi đoạn, như thế gọi là Khoa văn. Thông thường, mỗi bộ kinh được chia làm 3 phần: Phần tựa, phần chính tông và phần lưu thông, gọi là Tam phần khoa văn. Tại Ấn độ, phương thức chia 1 bộ kinh thành 3 phần bắt đầu từ Thập địa kinh luận quyển 1, còn ở Trung quốc thì bắt đầu từ ngài Đạo an ở đời Phù Tần. Phần tựa lại được chia làm 2: Tựa chung và Tựa riêng. 1. Tựa chung: Tất cả các kinh đều mở đầu bằng đoạn văn: Như thị ngã văn, v.v… cho đến dữ đại tỉ khưu chúng thiên nhị bách ngũ thập nhân câu, v.v… Đây là phần tựa chung cho tất cả kinh điển do đức Phật nói ra. 2. Tựa riêng: Sau phần tựa chung là phần duyên khởi riêng của mỗi bộ kinh. Tựa chung là phần khiến chúng sinh phát khởi lòng tin nên cũng gọi là Chứng tín tự. Còn tựa riêng là phần trình bày về nhân duyên của bộ kinh ấy nên cũng gọi là Phát khởi tự. Nhưng theo chủ trương của ngài Thiện đạo thì 4 chữ Như thị ngã văn (Tôi nghe như vầy) mới là Chứng tín tự, còn từ đó trở xuống đều là phát khởi tự và phần tương đương với tựa chung trong Phát khởi tự gọi là Hóa tiền tự. Tựa chung cũng được chia làm 6 thành tựu, tức là Tín (như vầy), Văn(tôi nghe), Thời (một thời), Chủ(Phật), Xứ(ở…), Chúng(cùng với chúng tỉ khưu), v.v… Phần tựa chung trong các kinh của Phật giáo đều phải đầy đủ 6 đều kiện trên. Ngoài ra, cũng có chỗ hợp 2 thành tựu Chủ và Xứ làm một mà gọi là Ngũ thành tựu; lại có chỗ đem chia thành tựu Văn làm 2 là Ngã và Văn mà gọi là Thất thành tựu. Từ thế kỉ XX trở đi, trong Phật giáo đã có nhiều phương pháp mới để nghiên cứu, cho nên Khoa văn không còn được dùng nữa. [X. luận Đại thừa khởi tín; Pháp hoa kinh văn cú Q.1; Pháp hoa kinh huyền tán nhiếp thích 1].