khoá tụng

Phật Quang Đại Từ Điển

(課誦) Cũng gọi Công khóa. Các thời khóa tụng niệm kinh chú vào buổi sáng sớm và chiều tối tại các chùa viện Phật giáo. Hàng ngày thực hành các thời khóa tụng niệm để mong đạt được công đức nên cũng gọi là công khóa. Tại Trung quốc thời xưa, pháp tụng niệm lúc đầu rất đơn giản, chỉ có kinh chú và kệ tán. Nhưng từ sau đời Tấn đã phát triển thêm pháp sám hối. Kế đó, khi có nghi thức Thủy lục, Diệm khẩu thì việc xướng niệm ngày càng thêm phức tạp. Về nguồn gốc của khóa tụng thì trong phẩm Pháp sư của kinh Pháp hoa đã có ghi các danh xưng như: Thụ trì pháp sư, Độc kinh pháp sư, Tụng kinh pháp sư, v.v…, do đó có thể suy ra rằng nghi thức khóa tụng ở Trung quốc là do những nhà dịch kinh Phật từ các nước Tây vực truyền đến. Những ghi chép sớm nhất về khóa tụng trong các sách ở Trung quốc có thể thấy trong sự tích Trách dung đời Đông Hán được chép chung với truyện Lưu diêu trong Ngô thư. Vua chúa các đời cũng đề cao khóa tụng, như vua Đường Huyền tông ban sắc thỉnh Tam tạng Bất không tụng kinh Nhân vương, Đường Đại tông ra sắc lệnh chọn 27 vị sa môn tụng chú Phật đính cầu nguyện cho đất nước trường tồn, nhân dân an lạc. Điều Trì tụng công thâm trong Phật tổ thống kỉ quyển 53, có nêu ra 19 việc đặc biệt của đạo tục tụng kinh trong khoảng thời gian hơn 700 năm từ vua An đế đời Đông Tấn đến vua Quang tông đời Tống. Như vậy, ta có thể thấy khóa tụng đã rất phổ biến và có một lịch sử lâu dài rồi. Về nghi thức khóa tụng thì ở Ấn độ thời xưa thực hành nghi chế Tam khải, nghĩa là trước tiên ngâm tụng thơ văn tán thán đức Phật(Phật sở hành tán) do ngài Mã minh sáng tác, kế đến, chính thức tụng kinh Phật, sau cùng là văn hồi hướng, phát nguyện. Toàn bộ quá trình là mở ra 3 tiết đoạn, cho nên gọi là Tam khải. Khi tụng kinh xong, đại chúng đồng thanh niệm Tô bà sư đa hoặc Sa bà độ(khen ngợi văn kinh là những lời vi diệu). Nghi thức tụng niệm ở Trung quốc xưa nay cũng theo phép Tam khải này, chỉ thiếu phần đại chúng đồng niệm Tô bà sư đa hoặc Sa bà độ, nhưng lại có xướng Thiện hay Thiện tai. Nghi thức tụng niệm ở Trung quốc bắt đầu từ Tăng Ni Quĩ Phạm do ngài Đạo an chế định vào đời Đông Tấn, trong đó qui định hàng ngày có 6 thời hành đạo, khi ăn phải hiến cúng, tức là phép hiến trai. Đời sau thực hành 2 thời khóa tụng niệm sớm tối, tức đã bắt nguồn từ đây. Những kinh văn trì tụng trong 2 thời khóa đều là kinh Đại thừa, như chú Lăng nghiêm, chú Đại bi, kinh A di đà, văn Sám hối, Mông sơn thí thực, xưng niệm danh hiệu Phật, v.v… Còn về lịch trình và nội dung của 2 thời khóa thì tùy theo các tông phái mà có khác nhau. [X. điều Niệm tụng trong Thiền uyển thanh qui Q.2; Pháp uyển châu lâm Q.36; Nam hải kí qui nội pháp truyện Q.4; Cao tăng Pháp hiển truyện; Trung quốc Phật giáo nhân vật dữ chế độ khóa tụng chương (Vương tân)].