khổ hạnh

Phật Quang Đại Từ Điển

(苦行) Phạm: Duwkara-caryà hoặc Tapas. Hạnh chịu đựng những cái khó chịu đựng để đoạn trừ dục vọng của thể xác. Chủ yếu chỉ cho các ngoại đạo ở Ấn độ vì muốn cầu sinh lên cõi trời nên thực hành các khổ hạnh. Trong Phật giáo, khổ hạnh được gọi là hạnh Đầu đà. Cứ theo kinh Đại bát niết bàn quyển 16 (bản Bắc), thì khổ hạnh có nhiều cách như nhịn đói, gieo mình xuống vực sâu, nhảy vào hố lửa, trèo lên núi cao rồi đâm đầu xuống, thường đứng một chân, nướng thân trên lửa, luôn nằm trên tro đất, gai nhọn, cỏ độc, phân bò, v.v… Ngoài ra, còn có rất nhiều phép khổ hạnh như giữ giới bò, giới chó, giới gà, lấy tro trát vào mình, để tóc dài, v.v… Hiện nay, tín đồ Ấn độ giáo còn tu theo loại khổ hạnh này để cầu sinh lên cõi trời. Đức Thích ca tu khổ hạnh 6 năm, hàng ngày chỉ ăn chút ít vừng (mè) và lúa mạch, cuối cùng Ngài nhận ra rằng khổ hạnh chẳng phải Thánh đạo, cho dù có được sinh lên cõi trời thì cũng vẫn còn trong vòng luân hồi, chưa được giải thoát, nên Ngài chấm dứt lối tu khổ hạnh. Trong Phật bản sinh đàm và các kinh luận cũng nói đến việc tu hành cần khổ như bố thí vợ con, đất nước, hoặc khoét mắt cho người, hoặc lóc thịt nuôi chim ưng, hoặc đưa thân cho cọp đói, hoặc cắt đầu bỏ tủy não, v.v… nhưng đó là 6 hạnh Ba la mật thuộc về Thánh hạnh đại bi lợi tha của Bồ tát, hoàn toàn khác với khổ hạnh vô ích của ngoại đạo. Đến đời sau, bố thí, từ bi trong Phật giáo và những việc khó làm lấy Phật đạo làm mục đích, đều gọi là khổ hạnh. Rồi những tịnh nhân trong chùa cũng gọi là khổ hạnh. Cảnh đức truyền đăng lục quyển 27 (Đại 51, 433 trung); nói: Trong nhà bếp của chùa này có 2 người khổ hạnh, đó là Hàn sơn và Thập đắc. [X. luận Đại trí độ Q.8, Q.16; Đại từ ân tự Tam tạng pháp sư truyện Q.4; Pháp uyển châu lâm Q.83].