khổ đế

Phật Quang Đại Từ Điển

(苦諦) Phạm: Du#kha-satya. Pàli: Dukkha-sacca. Cũng gọi Khổ thánh đế (Phạm: Du#khàrya-satya). Chỉ cho sự thật về các khổ trong 3 cõi, như 3 khổ, 8 khổ, v.v… Là 1 trong 4 đế. Thuyết nhất thiết hữu bộ cho rằng cảm nhận vui là có thật và lấy khổ nhiều vui ít làm nghĩa của Khổ đế, nhưng Kinh bộ thì chủ trương rằng trong các uẩn hoàn toàn không có cảm giác vui nào đáng nói. Phẩm Hành khổ trong luận Thành thực quyển 6 (Đại 32, 282 trung), nói: Ba thụ (khổ, vui, không khổ không vui)đều thuộcKhổ đế; nếu thật có vui, thì tại sao nói khổ đế? Khổ là chân thực mà vui là hư vọng. Vì sao biết? Vì quán tâm khổ mới đoạn trừ được các phiền não, chứ chẳng phải quán tâm vui mà đoạn trừ được, cho nên biết tất cả đều là khổ. Luận Đại thừa a tì đạt ma tạp tập quyển 6 (Đại 31, 719 hạ) nói: Sinh khổ cho đến oán thù gặp gỡ khổ là hiển bày khổ khổ, thuận theo pháp khổ thụ, là nghĩa tự tướng của khổ. Yêu thương chia lìa khổ, mong cầu không được khổ là hiển bày Hoại khổ, thuận theo pháp lạc thụ, là nghĩa tự tướng của Hoại. Tóm thu tất cả khổ của 5 thủ uẩn là hiển bày Hành khổ, là nghĩa bất an ổn. (…) Sinh khổ cho đến mong cầu không được khổ là khổ của Thế tục đế, vì là cảnh giới của trí thế gian, còn thu tóm tất cả khổ của 5 uẩn là khổ của Thắng nghĩa đế. [X. kinh Tăng nhất a hàm Q.17; luận Thuận chánh lí Q.57; luận Hiển dương thánh giáo Q.2; Câu xá luận quang kí Q.22].