khổ

Phật Quang Đại Từ Điển

(苦) Phạm: Du#kha. Dịch âm: Đậu khư, Nặc khư, Nạp khư. Sự khổ não trong thân tâm. Khổ và vui tồn tại trong tương đối, nếu tâm duyên theo đối tượng vừa ý thì cảm thấy vui, nếu tâm duyên theo đối tượng trái với ý thì cảm thấy khổ. Theo luận Thanh tịnh đạo thì khổ có đủ 2 nghĩa hiềm ố (du) và không hư (khạm), tức hiềm ố(chán ghét) và trạng thái không có thường, lạc, ngã, tịnh gọi là Khổ. Khổ có nhiều thứ: 1. Hai khổ: Khổ trong và khổ ngoài. Khổ phát sinh từ thân tâm mình gọi là khổ trong; khổ từ bên ngoài đưa đến như giặc cướp, thiên tai, v.v… gọi là khổ ngoài. 2. Ba khổ: Khổ khổ, Hoại khổ và Hành khổ: Trước những đối tượng trái ý mà cảm thấy khổ, gọi là khổ khổ. Trước sự hủy hoại của những thứ mình yêu thích mà cảm thấy khổ, gọi là Hoại khổ. Thấy tất cả thế gian nay còn mai mất mà cảm thấy khổ, gọi là Hành khổ. 3. Bốn khổ: Chỉ cho 4 thứ sinh khổ(vì có sinh nên có khổ), già khổ, bệnh khổ, chết khổ. 4. Tám khổ: Sinh, già, bệnh, chết, thương yêu chia lìa, oán thù gặp gỡ, mong cầu không được và 5 ấm xí thịnh. 5. Mười tám khổ: Khổ gồm 18 loại như sinh, tử, ưu, bi, khổ, não, đại khổ tụ, vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thụ, ái, thủ, hữu, sinh… 6. Ba khổ về thân và tâm: Già, bệnh, chết(thân), tham, sân, si(tâm). Ngoài ra, các kinh luận còn nêu ra rất nhiều loại khổ, như luận Du già sư địa quyển 44 nêu ra 110 thứ khổ. [X. kinh Đại bát niết bàn Q.12 (bản Bắc); kinh Phật địa Q.5; luận Xá lợi phất a tì đàm Q.12; luận Đại trí độ Q.19].