khinh an

Phật Quang Đại Từ Điển

(輕安) Phạm: Prasrabdhi. Pàli: Passaddhi. Đối lại: Hôn trầm. Tên tâm sở, là tâm thái nhẹ nhàng, an ổn trước cảnh sở duyên, 1 trong 75 pháp của Câu xá, 1 trong 100 pháp của Duy thức. Tông Câu xá cho Khinh an là 1 trong các Đại thiện địa pháp, còn tông Duy thức thì coi nó là 1 trong những tâm sở thiện. Khinh an thường khởi lên trong Thiền định, giúp sự tu tập được tiến hành liên tục. Theo Thuyết nhất thiết hữu bộ, thì Khinh an có 2 loại: Thân khinh an và Tâm khinh an. Thân khinh an là tính kham nhẫn của tâm tương ứng với 5 thức trước, Tâm khinh an là tính kham nhẫn của tâm tương ứng với thức thứ 6. Thuyết nhất thiết hữu bộ còn cho rằng Thân khinh an chỉ có trong hữu lậu và tán vị, còn Tâm khinh an thì có cả trong hữu lậu và vô lậu, tán vị và định vị. Nhưng theo Kinh bộ thì Thân khinh an là sự xúc chạm nhẹ nhàng, mà tâm sở khinh an không tương ứng với 5 thức trước; còn Tâm khinh an là sự sai biệt của tâm sở Tư, chỉ có trong Định vị. Cứ theo Thành duy thức luận thuật kí quyển 6 phần cuối, thì Khinh an chia làm 2 loại: Hữu lậu khinh an và Vô lậu khinh an. Trong 2 loại Khinh an này, tâm thái đều nhẹ nhàng, thoải mái, đều ở trong định vị. [X. luận Đại tì bà sa Q.42; luận Câu xá Q.4; luận Thành duy thức Q.6; luận Phẩm loại túc Q.3; Câu xá luận quang kí Q.4].