khích du trần

Phật Quang Đại Từ Điển

(隙游塵) Phạm:Vàtàyanacchidra-rajas. Cũng gọi Hướng du trần, Nhật quang trần. Những mảy bụi lởn vởn mà mắt thường có thể thấy được khi ánh sáng mặt trời xuyên qua các kẽ hở. Cứ theo luận Câu xá quyển 12, thì trong đó mảy bụi nhỏ nhất tương đương với 823.543 lần của một cực vi (Phạm:Paramàịu), còn mảy lớn nhất thì tương đương với 1 phần trong 2.401 phần của đốt ngón tay. Cứ theo Tát bà đa bộ (Thuyết nhất thiết hữu bộ) thuộc Phật giáo Tiểu thừa, thì cực vi là nguyên tố rất nhỏ, cơ bản nhất cấu tạo thành vũ trụ. Hình trạng của cực vi tuy không có dài ngắn, vuông tròn, cũng không có mầu sắc xanh vàng đỏ trắng, mắt thường không thể thấy được, nhưng nó là một sắc pháp có thực chất tồn tại, tất cả vật chất đều do cực vi tạo thành, cũng tức là đem phân tích tất cả vật chất đến nguyên tố cuối cùng không còn phân tích được nữa, thì đó chính là cực vi. Cho nên, trong hư không, cực vi chiếm một vị trí không gian nhất định, hình thái tồn tại của nó thường lấy 7 cực vi kết hợp ở một chỗ gọi là 1 vi trần (Phạm: Aịu-rajas), tức lấy 1 cực vi làm trung tâm, rồi tụ tập ở 6 phương(đông, tây, nam, bắc, trên, dưới), mỗi phương 1 cực vi, như vậy, 7 cực vi cộng lại thành 1 vi trần, cứ theo đó mà suy: 7 vi trần là 1 kim trần (Phạm:Loharajas, cũng gọi Đồng trần, Thiết trần), 7 kim trần là 1 thủy trần (Phạm:Ab-rajas), 7 thủy trần là 1 thố mao trần (Phạm:Zazarajas), 7 thố mao trần là 1 dương mao trần (Phạm: Avi-rajas), 7 dương mao trần là 1 ngưu mao trần (Phạm: Go-rajas), 7 ngưu mao trần là 1 khích du trần. [X. luận Đại tì bà sa Q.75; luận Câu xá Q.2; luận Thuận chính lí Q.32; luận Thành duy thức Q.1; Thành duy thức luận thuật kí Q.2 phần đầu].