khế đan

Phật Quang Đại Từ Điển

(契丹) Cũng gọi: Khiết đan, Khất đan. Tên một bộ tộc thời xưa. Vào đầu thế kỉ thứ X, bộ tộc này sống ở lưu vực Hắc long giang, trung nam bộ Mông cổ. Về sau, họ xâm nhập vào các vùng bắc và đông bắc của Trung quốc, kiến lập thành nhà Liêu và cũnglấy tên nước là Khế đan. Nước này có 5 kinh đô ở 5 nơi gọi là Ngũ kinh: Thượng kinh ở phủ Lâm hoàng (đông bộ Mông cổ), Đông kinh ở phủ Liêu dương (đông bắc Liêu dương), Trung kinh ở phủ Đại định (tên một tòa thành lớn ở Nhiệt hà), Nam kinh ở phủ Triết tân (Bắc kinh) và Tây kinh ở phủ Đạiđồng. Nước này được sáng lập vào năm 907 Tây lịch, trải 9 đời vua, trị vì cả thảy 219 năm. Tôn giáo cố hữu của Khế đan là Tát mãn giáo, tuy nhiên ngay từ thời kì đầu lập quốc, Phật giáo vẫn được phát triển. Vua Thái tổ nhà Liêu thỉnh các vị tăng Trung quốc đến xây các chùa Khai giáo, chùa Đại quảng ở châu Long hóa và chùa Đại hùng ở Thượng kinh. Vào năm Thiên hiển 12 (937), vua Thái tông lấy được tỉnh Hà bắc và bắc bộ tỉnh sơn tây, từ đó Phật giáo ở miền Bắc Trung quốc liền được truyền vào Khế đan. Về sau, dưới các đời vua Thế tông, Mục tông và Cảnh tông, Phật giáo càng phát triển mạnh, cho đến đời Thánh tông, Hưng tông và Đạo tông thì Phật giáo trở nên toàn thịnh, có thể gọi là thời Hoàng kim của Phật giáo Khế đan. Việc khắc Đại tạng kinh Khế đan được bắt đầu từ thời vua Thánh tông, đến thời vua Đạo tông thì hoàn thành vào năm Thanh ninh thứ 5 (1059), toàn bộ gồm 5048 quyển. Về sau, bộ Đại tạng kinh này được truyền vào Cao li và đã ảnh hưởng rất lớn đối với Đại tạng kinh Cao li. Các tác phẩm Phật giáo do những vị Cao tăng của Khế đan soạn, có rất nhiều bộ nổi tiếng như: Long khám thủ giám của ngài Hành quân, Tục nhất thiết kinh âm nghĩa 10 quyển của ngài Hi lân, Đại nhật kinh nghĩa thích mật sao 10 quyển của ngài Giác uyển, Hiển mật viên thông thành Phật tâm yếu tập 2 quyển của ngài Đạo trách, Tùy nguyện vãng sinh tập 20 quyển của ngài Phi trược, Tam bảo cảm ứng yếu lược 3 quyển, cũng do ngài Phi trược soạn. [X. Liêu sử; Khế đan quốc chí; Tống sử tân biên Q.192; Khế đan Phật giáo văn hóa sử khảo (Thần vĩ Nhất xuân); Thạch sơn kinh Vân cư tự dữ thạch khắc tạng kinh (Trủng bản Thiện long); Liêu kim chi Phật giáo (Dã thượng Tuấn tĩnh)].