khất vũ

Phật Quang Đại Từ Điển

(乞雨) Cũng gọi Kí vũ, Thỉnh vũ, Đảo vũ. Cầu mưa. Khi hạn hán lâu ngày, người xưa thường tổ chức lễ cầu mưa. Nghi thức này bắt nguồn từ kinh Hải long vương của Phật giáo. Tại Trung quốc và Nhật bản lại còn thêm các nghi thức cầu mưa theo tín ngưỡng dân gian như: Sắp hàng, nhảy múa, v.v…, nhưng vẫn lấy việc tụng kinh (hoặc trì chú)và tu pháp để cầu nguyện là chính. Người cầu mưa nếu là tỉ khưu thì phải đầy đủ luật nghi, nếu là cư sĩ thì phải thụ 8 giới. Khi tu pháp , chỉ được ăn cơm với sữa và phó mát, hàng ngày phải tắm gội bằng nước thơm, mặc áo mới mầu xanh sạch sẽ; ở mặt tây đàn đặt một tòa ngồi cũng được làm bằng vật mầu xanh. Trên bàn để kinh Đại vân, 2 người, 3 người cho đến 7 người thay phiên nhau đọc tụng, tiếng tụng kinh không được gián đoạn. Phép cầu mưa đã được thực hành sớm nhất ở Ấn độ. Ở Trung quốc thì từ đời Hoàng đế trở về sau mới có nghi thức cầu mưa. Như thời Hoàng đế có Xích tương tử làm thầy Khất vũ, thời Thần nông có Xích tùng tử, thời Hán có sa môn Trúc đàm cái tụng kinh Hải long vương cầu mưa; thời Tấn, có lần vùng Tầm dương nắng hạn, pháp sư Tuệ viễn cũng tụng kinh Hải long vương cầu mưa, chỉ trong chốc lát liền có trận mưa to. Khoảng năm Trinh quán đời Đường xẩy ra đại hạn, chùa Ngọc tuyền hết nước, sa môn Không tạng cầu mưa, nước từ suối vọt lên, mưa cũng trút xuống tràn đầy. Nhật bản, Cao li, Việt nam, v.v… cũng có tục cầu mưa. [X. kinh Đại vân luân thỉnh vũ; phẩm Thỉnh vũ trong kinh Đại phương đẳng đại vân; kinh Hải long vương].