Khát-ga-pa

Từ điển Đạo Uyển


S: khaḍgapa; “Kiếm sĩ” còn được mệnh danh là “Kẻ trộm vô uý”; Một trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, được xem sống trong khoảng đầu thế kỉ thứ 10. Ông thuộc giới nông dân, nhưng lúc lớn lên sống bằng trộm cắp. Lần nọ, ăn trộm không được, ông buồn rầu trở về bãi đốt xác thì gặp một vị Du-già sư tên Cát-pa-ti (s: carpaṭi), ông hỏi: “Có phép lạ nào giúp ta ăn trộm mà không bị khám phá.” Vị Du-già sư nghe hỏi như thế bèn chỉ cách: “Trong thành nọ có một bảo tháp, trong đó có một tượng Quán Thế Âm. Ngươi hãy đến đó đi vòng quanh tượng liên tục ba tuần, sau đó sẽ có một con rắn xuất hiện và hãy nắm bắt lấy đầu của con rắn này.” Làm đúng như lời, ông bắt được con rắn nhưng ngay sau đó, con rắn biến thành lưỡi kiếm trí huệ. Chỉ một thời gian ngắn sau, ông đạt quả Tất-địa (s: siddhi). Kệ chứng đạo của ông như sau: Nếu không có khí giới, dù chống chọi bao nhiêu, chiến sĩ luôn bại trận. Mang theo thanh bảo kiếm, “Lòng tỉnh giác bất tử” thắng kẻ thù “Ba cõi” lòng ta đầy an lạc!