khám

Phật Quang Đại Từ Điển

(龕) I. Khám. Chỗ đục khoét trên vách núi làm hang động để thờ Phật. Cứ theo kinh Quán Phật tam muội hải quyển 4, thì trên núi Tu di có vô lượng khám thất, trong đó có vô số hóa Phật. Còn theo luận Đại tì bà sa quyển 177, thì đức Phật Để sa lên đỉnh núi vào khám Phệ lưu li, trải ni sư đàn(tọa cụ), ngồi kết già, nhập định Hỏa giới. Hiện nay, trong các di tích lớn của Phật giáo, như động đá A chiên đa, Y la lạp ở Ấn độ, các động Vân cương, Long môn… ở Trung quốc, trên 4 mặt vách động đều xoi đục khám thất để thờ Phật và Bồ tát. Đời sau, khám được làm bằng đá hoặc gỗ theo hình cái hòm, có cửa, trong đó thờ tượng Phật gọi là Phật khám, cũng có khi khám được dùng để thờ tượng Tổ sư khai sơn. II. Khám. Cũng gọi Khám quan, Khám tử, Khám cữu, Khám thuyền, Linh khám. Quan tài để xác chết. Thích thị yếu lãm quyển hạ (Đại 54, 307 hạ), nói: Nay quan tài để tẩn liệm chư tăng có hình dáng giống như ngôi tháp, gọi là Khám. Thu liệm xác người chết vào quan tài, gọi là Tiến khám, hoặc Nhập khám (tục gọi Nhập quan); rưới dầu thơm vào rồi đóng nắp lại, gọi là Tỏa khám, Phong khám; dời quan tài đến nơi chôn cất, gọi là Di khám (Di quan); văn sớ đọc trước khám, gọi là Khám tiền sớ; dựng nhà tạm thời trước khám, gọi là Khám tiền đường. [X. điều Thiên hóa trong Sắc tu Bách trượng thanh qui Q.3; Trì bảo thông giám Q. trung; môn Tang tiến trong Thiền lâm tượng khí tiên].