khai tích hiển bản

Phật Quang Đại Từ Điển

(開迹顯本) Cũng gọi: Phát tích hiển bản. Phá trừ tình chấp Quyền Phật mới thành ở Phật đà già da để hiển bày Bản Phật vốn đã thành từ lâu xa. Đây là từ ngữ phán thích kinh Pháp hoa của tông Thiên thai. Theo đại sư Trí khải của tông Thiên thai, thì kinh Pháp hoa có Khai hiển Bản môn và Khai hiển Tích môn. Trong Khai hiển Bản môn, nói theo thân Phật thì là Khai tích hiển bản, mà ý nghĩa như đã nói ở trên. Pháp hoa huyền nghĩa quyển 7 hạ (Đại 33, 773 thượng), nói: Phật giới thập như trong Tích môn hiển bày ra Phật giới thập như trong Bản môn, nghĩa là Tích môn đã khai trừ Quyền của 9 cõi dưới để hiển bày Thực của Phật giới. Cho nên Bản môn hiển thị lí Vốn đã có lâu xa của Phật giáo, khiến cho chúng sinh biết rõ những điều được nói trong Tích môn mà hiểu rõ bản địa của chư Phật. [X. phẩm Như lai thọ lượng kinh Pháp hoa Q.5; Pháp hoa văn cú Q.9 hạ; Pháp hoa huyền luận Q.1]. (xt. Bản Tích Nhị Môn, Khai Cận Hiển Viễn, Khai Hiển).