Khai Thị Quyển III

Khai Thị
Quyển III
Hòa Thượng Tuyên Hóa
Ban Phiên Dịch Việt Ngữ Trường Ðại Học Pháp Giới
Vạn Phật Thánh Thành Talmage, California

1/. Nhân Nào Quả Nấy

Con người ở thế gian này gặp đủ thứ chuyện kỳ lạ, vì sao? Ðó là vì trước kia người ta đã trót trồng cái nhân kỳ lạ nên bây giờ mới sanh ra cái quả kỳ lạ. Nếu các bạn chẳng gieo loại nhân ấy thì sẽ không gặt phải loại quả này. Vì thế, nếu mọi người hiểu được đạo lý nhân quả thì hãy:

Chư ác mạc tác,
Chúng thiện phụng hành.

(Chớ làm điều ác,
Chỉ làm việc lành.)

Trên thế gian này, con người không thể nào tách rời khỏi nhân quả; song le, vì ai nấy đều chỉ thấy quả chứ chẳng thấy nhân nên khi quả báo xảy tới thì cuống quít, hoang mang, không biết nên như thế nào cho phải nữa! Ðó đều là do khi trồng nhân, người ta đã không biết thận trọng, đợi đến lúc phải nhận lãnh những quả báo quái lạ thì họ mới giật mình, sửng sốt!

Chúng ta hiện đang nghiên cứu Tứ Chủng Thanh Tịnh Minh Hối (Bốn Ðiều Răn Dạy Về Tánh Thanh Tịnh) trong Kinh Lăng Nghiêm. Phần kinh văn này giảng giải rất cặn kẽ những trường hợp nhân quả phức tạp, kỳ lạ của con người. Các bạn muốn hiểu rõ vấn đề nhân quả thì hãy “chớ làm điều ác, chỉ làm việc lành.” Hằng ngày, các bạn không nên chỉ toàn nghĩ tới lợi lộc riêng tư mà hãy tìm cách mang lại lợi ích cho người khác; song, không cần phải huênh hoang: “Tôi thường làm nhiều chuyện lợi ích cho người khác lắm! Tôi sửa chùa tháp, bố thí, giúp đỡ người nghèo…”

Những việc như thế không phải để khoác lác hay nói suông, mà cần phải chân chánh thực hành. Hãy lấy việc giúp người làm nguồn vui và xem đó là thiên chức của mình; được như vậy thì thế giới này sẽ tự nhiên trở nên tốt đẹp!

(Giảng ngày 30 tháng 4 năm 1983)

2/. “Lấy Giả Làm Thật”

Ðức Khổng-Tử nói:

Ngô vị kiến hiếu đức như hiếu sắc giả dã.
(Ta chưa thấy người nào chuộng đức hạnh như chuộng sắc đẹp cả!)

Ðức Khổng-Tử bấy giờ vì nhận thấy người mến chuộng đạo đức và hạnh kiểm thì không được chuyên tâm bằng kẻ yêu chuộng sắc đẹp, cho nên ngài đã thở dài và than rằng: “Từ trước đến nay ta chưa từng gặp được người nào hâm mộ đạo đức giống như hâm mộ sắc đẹp vậy!”

Tôi thì chưa thấy có người nào mến chuộng Phật Pháp mà dụng công đến độ như mến chuộng tiền của cả! Các bạn xem, người mến mộ Phật Pháp dù ham thích Phật Pháp đến thế nào đi nữa thì cũng có lúc mệt mỏi, lạy Phật, tụng Kinh hoặc niệm chú hơi lâu thì cảm thấy mệt. Thế nhưng, nếu đi kiếm tiền, thì dù không ăn, không uống, không ngủ, người ta cũng chẳng thấy mệt! Cứ nhìn những kẻ ham mê cờ bạc là biết, suốt ngày suốt đêm không nghỉ ngơi mà mắt họ vẫn ráo hoảnh, chẳng chút mệt nhọc!

Tại sao con người lại có thể như thế được chứ! Ðó là vì đối với những gì chân thật thì người ta không nhận thức được rõ ràng; trái lại, đối với những thứ giả tạo thì họ “lật đật chạy theo như vịt,” đeo đuổi kiếm tìm một cách điên cuồng, thật là điên đảo hết sức!

(Giảng tối ngày 30 tháng 4 năm 1983)

3/. Thấm Nhuần Nghĩa Lý Kinh Ðiển

Muốn nghiên cứu Phật Pháp thì cần phải hiểu rõ nghĩa lý trong kinh. Mỗi bộ kinh do Ðức Phật thuyết giảng đều bao hàm một nghĩa lý chân chánh riêng biệt; tuy nhiên, tất cả kinh điển đều có quan hệ liên đới với nhau và nghĩa lý cũng có tính cách liên đới.

Ðức Phật viện dẫn Tiểu Thừa, Ðại Thừa, rồi cuối cùng quy nạp về một thừa duy nhất là Phật Thừa. Bất luận là Ðại Thừa, Tiểu Thừa, hay Phật Thừa, thừa nào cũng dạy mọi người sửa đổi thói hư tật xấu, dẹp bỏ vô minh, quét sạch phiền não và dứt trừ tham, sân, si. Nếu các bạn dứt bỏ được mọi thói xấu thì đối với nghĩa lý kinh điển tự nhiên sẽ có sự tương hợp; nếu không dứt bỏ thói xấu thì các bạn sẽ không thể nào thấu triệt được nghĩa lý trong kinh.

Chúng ta đang nghiên cứu Kinh Lăng Nghiêm, và hiện đã nghiên cứu xong Ngũ Thập Ấm Ma (Năm Mươi Thứ Ấm Ma) cùng Tứ Chủng Thanh Tịnh Minh Hối (Bốn Ðiều Răn Dạy Về Tánh Thanh Tịnh). Vậy, nghĩa lý chân chánh của bộ kinh này là gì? Tại sao Ðức Phật thuyết bộ kinh này? Các bạn tìm ra đặng thì mới được xem là thật sự hiểu rõ giáo pháp hàm chứa trong kinh; nếu không tìm ra chân-nghĩa thì coi như các bạn vẫn chưa thật sự thông suốt kinh pháp! Chẳng hạn bạn gặp một người nào đó, mặc dù đã biết tên của người ấy nhưng bạn vẫn cần phải “tiến thêm một bước nữa”, nhận rõ tướng mạo, tư tưởng, hành vi, v.v… của người ấy; như thế mới là nhận biết người ấy. Nếu bạn chỉ biết danh tánh mà không biết gì về tướng mạo, tư tưởng… của người ta, thì đó vẫn chưa phải là nhận biết. Chúng ta nghiên cứu kinh Phật thì cũng tương tự như vậy!

Tướng của Kinh Lăng Nghiêm là “đại nhi vô ngoại, tiểu nhi vô nội.” (lớn đến độ không gì có thể vượt ra ngoài nó, nhỏ đến độ không gì nhỏ hơn nó). Nghĩa lý của Kinh Lăng Nghiêm ví như bộ xương người vậy, nếu con người không có xương, chỉ có da, thịt, gân, máu… mà thôi, thì chẳng ra hình dáng con người cũng chẳng thể nào đứng vững được. Cho nên, Kinh Lăng Nghiêm là cốt tủy của các bộ kinh. Kinh Lăng Nghiêm có công dụng “phá tà hiển chánh” – phá hủy tất cả tà vạy để hiển lộ Tam-muội chân chánh. Nếu không có Kinh Lăng Nghiêm, thì không có Phật Pháp; có Kinh Lăng Nghiêm, tất có Phật Pháp! Vậy, muốn hộ trì Phật Pháp thì trước hết chúng ta hoằng dương, phổ biến Kinh Lăng Nghiêm – phải học cho thuộc, giảng giải cho được, rồi dựa theo đó mà tu hành.
Vạn Phật Thánh Thành chính là “Lăng Nghiêm Ðàn Tràng” – đạo tràng của Kinh Lăng Nghiêm. Chúng ta nhất định phải ngời sáng “Lăng Nghiêm Ðại Quang,” tu tập “Lăng Nghiêm Ðại Ðịnh,” thành tựu “Lăng Nghiêm Ðại Trí” và viên mãn “Lăng Nghiêm Ðại Từ!”

(Giảng ngày 01 tháng 5 năm 1983)

4/. Sự Lập Nguyện Phải Ðược Phát Xuất Từ Lòng Chân Thành

Người tu hành cần phải lập nguyện với một tấm lòng thành khẩn nhất và phải luôn luôn theo đúng những điều nguyện mà mình đã lập, chứ không phải, lập nguyện xong chưa tới năm phút là đã hoàn toàn quên bẵng, vì như thế thì cũng như chưa hề lập nguyện vậy! Các bạn cần phải nhận thức cho rõ một điều – vì sao mình lập nguyện?

Việc lập nguyện không cốt ở hình thức; cho nên, nếu các bạn coi lập nguyện như một nghi thức phải theo đúng thể lệ, thì các bạn hoàn toàn sai lầm và đã đi ngược lại nguyên tắc lập nguyện rồi vậy. Những người đã lập nguyện thì mỗi ngày nên tụng bài văn phát nguyện của mình một lần để tự nhắc nhở và thôi thúc mình cố gắng thực hiện tới mức tận thiện tận mỹ; như thế mới không phụ chí hướng lập nguyện ban đầu của các bạn.

Chư Phật và chư Bồ Tát nhờ đã nghiêm chỉnh lập nguyện và thực hành đúng theo thệ nguyện nên chứng được quả vị Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Vì vậy, nếu chúng ta cứ thi hành từng điều nguyện một của mình theo chiều hướng chân thật, chẳng chút giả dối, thì chúng ta cũng sẽ được thành Phật, thành Bồ Tát! Ðức Phật là bậc đại trí huệ, còn chúng ta là kẻ đại ngu si; cho nên, muốn học theo trí huệ, tất chúng ta phải lấy tâm Phật làm tâm mình, lấy nguyện của Phật làm nguyện của mình, lúc nào cũng từ bi hỷ xả, nhẫn nhịn những chuyện mà người khác khó thể nhẫn nhịn, hoàn thành những việc mà người khác khó thể làm được. Mọi sự đều phải được tiến hành một cách chân thật thì mới có thể đạt được sự cảm ứng chân chánh. Do đó, mọi người đều phải đặc biệt chú ý về việc lập nguyện!

Ðức Phật A Di Ðà do lập bốn mươi tám điều nguyện mà thành tựu được Thế Giới Cực Lạc, tiếp dẫn tất cả chúng sanh. Chúng ta nên học theo hành vi của chư Phật, chư Bồ Tát, cùng chư Thánh-nhân đời quá khứ, phải thiết tha sửa chữa những sai lầm khi trước, không nên che giấu khuyết điểm và cũng đừng chiều theo các thói hư tật xấu của mình – như thế gọi là “bội trần hợp giác” (quay lưng lại trần lao, trở về với giác ngộ); nếu trái lại, là “bội giác hợp trần” (quay lưng lại sự giác ngộ để hòa hợp với trần lao) vậy.

Nếu các bạn có thể mạnh dạn sửa chữa lỗi lầm, đối diện với hiện thực, đón nhận thử thách, rồi vượt qua được mọi thử thách cam go, thì các bạn sẽ có cơ hội thành tựu. Chớ nên có ngã kiến quá sâu, ngã tướng quá nặng. Các bạn cần phải biết rằng tự tánh vốn ngay thẳng, trong sáng, và được gọi là cái chân tâm “trọn vẹn, sáng láng, thẳng thắn, không dính mắc một chút gì dù nhỏ như sợi tơ.” Chân tâm này thì không có thói hư tật xấu hay khuyết điểm gì cả; cho nên, chớ đem Phật-tánh ký thác nơi vật chất do tứ đại1 giả hợp tạo thành.

 

Tại sao chúng ta “bỏ thật, theo giả?” Vì cớ gì lại “bỏ gốc, tìm ngọn?” Là vì chúng ta không nhận biết được tự tánh của chính mình! Tự tánh thì trong sạch, không một chút nhiễm ô, và giống như tấm gương sáng vậy. “Vật lai tắc ánh, vật khứ tắc tịnh” (vật đến thì gương liền phản chiếu cái bóng của vật, vật đi rồi thì gương lại trong sáng như trước, không dính dấu vết).

Các bạn! Người tu Ðạo mà không thể sửa chữa lỗi lầm thì cũng như chẳng tu. Có câu rằng:
Hành niên ngũ thập, phương tri tứ thập cửu tuế chi phi.
(Ðến tuổi năm mươi mới biết những sai lầm hồi bốn mươi chín năm rồi.)

Người nào có được tâm giác ngộ như thế hẳn là người có trí tuệ; con đường tương lai của người ấy sau này chắc chắn sẽ rộng lớn thênh thang, có thể nói là “tiền đồ rực rỡ như gấm.” Nếu không tự biết được điểm sai của mình thì sẽ hồ đồ suốt cả một đời, chỉ biết mưu cầu “hư danh,” bị khách trần làm cho mê muội – những kẻ như thế thật đáng thương lắm thay!

Hiện tại, Vạn Phật Thánh Thành là một đạo tràng tỏa ánh sáng đến muôn nơi và được hàng vạn đức Phật hộ trì. Hy vọng rằng mọi người xua tan được những đen tối mờ ám trong tâm; song le, các bạn cần phải vận dụng trí huệ quang minh để soi sáng tự tâm thì mới mong quét sạch được mọi vô minh, phiền não. Các bạn phải hết sức thận trọng và đặc biệt lưu ý đến điểm này!

5/. Vạn Phật Thánh Thành – Cảnh Tiên Giữa Chốn Nhân Gian

Vạn Phật Thánh Thành là một nơi yên tĩnh, tịch mịch. Ở đây, không khí trong lành mà khung cảnh lại u nhã, chẳng có không khí ô nhiễm và cũng chẳng có tiếng xe cộ ồn ào quấy nhiễu. Phàm là người sống trong khuôn viên của Vạn Phật Thánh Thành thì phải biết quý trọng và hết lòng gìn giữ, bảo vệ môi trường.

Trong rừng thông Ðại Tùng Thụ thuộc khuôn viên Thánh Thành có tới mấy trăm con hạc trắng làm tổ trên cây và sống ở đó quanh năm. Giống chim này thuộc loài hậu điểu, lẽ ra thì phải tùy theo khí hậu mà thiên di tới nơi khác, nhưng những con bạch hạc này lại cứ “đóng đô” ở đây mãi, chẳng chịu “dọn nhà” đi, đủ thấy không khí tại Vạn Phật Thánh Thành trong lành như thế nào!

Vạn Phật Thánh Thành cũng là một Thánh-địa, có hơn ba chục con hươu sao (mai hoa lộc) sinh sống trên đồng cỏ mênh mông; chúng khoan thai đi lại trong thảo nguyên và hễ thấy có người đến thì nhảy cẫng lên ra vẻ mừng rỡ chào đón. Hươu con lại còn khả ái hơn nữa, chúng cứ quấn quít bên mình khách, không chịu rời.

Trong Thánh Thành còn có loài chồn, cáo, nhưng chúng chẳng hề làm hại những động vật nhỏ bé. Nếu chúng phạm Giới – dù là ăn con sóc nhỏ – thì cũng phải chịu sự trừng phạt của Thần Hộ Pháp. Những con chồn này rất tinh nghịch, có người trông thấy chúng liền giậm chân thì chúng bắt chước giậm chân theo, trợn mắt nhìn chúng thì chúng cũng trố mắt nhìn lại! Chồn con rất hồn nhiên, hễ gặp người xuất gia là lẽo đẽo đi theo. Có khi chúng còn vô nhà hoặc lảng vảng trước cửa để xin thức ăn.

Muôn chim được tắm mình trong cảnh giới thần tiên thiêng liêng, kỳ diệu, tinh khiết và thanh tịnh này đều sống trong niềm an lạc chan hòa; có thể nói là chúng đã gặp được môi trường thích hợp vậy!

6/. Vạn Sự, Nhẫn Là Quý

Bí quyết của người tu hành là nên ăn ít. Vì sao? Vì ăn ít thì bớt sanh dục niệm. Dục niệm ít thì có thể biết đủ (tri túc). Biết đủ thì thường xuyên được an lạc. Luôn luôn an lạc thì không có phiền não. Không có phiền não thì Bồ-đề nảy sanh. Bồ-đề nảy sanh thì được giải thoát. Ðạt được sự giải thoát tức là có thể “nhiệm vận tự tại, sanh tử tự tại, trí huệ tự tại”- tóm lại là hoàn toàn tự tại. Ðó là những chặng đường mà người tu hành phải trải qua; mọi người hãy cùng nhau gắng sức!

Người tu hành cần phải nhẫn nại, bất luận cảnh giới thử thách nào xảy đến cho mình thì cũng phải dùng lòng nhẫn nại mà nhịn nhục, nghiến chặt răng mà chịu đựng; lúc đã vượt qua “cửa ải” được rồi thì “gió êm sóng lặng,” tự nhiên sẽ được yên ổn. Khi làm việc, nếu có những việc mình không muốn làm thì cũng nên nhẫn nại mà làm, lâu dần sẽ quen đi, rồi trở thành tự nhiên. Nói tóm lại, bất luận làm công việc gì chúng ta cũng đều nên làm cho đàng hoàng, có lương tâm; chớ nên lười biếng, trốn tránh công việc cho nhàn thân, hoặc làm cẩu thả qua loa cho xong chuyện. Nếu có ý tưởng “làm Hòa Thượng một ngày thì đánh chuông một ngày,” tức là trái ngược với Ðạo; hạng người này chẳng qua là “dựa vào Phật để có áo mặc, nương theo Phật để kiếm cơm ăn,” sống lây lất qua ngày tháng, chắc chắn chẳng có triển vọng gì cả!

Tôi dùng hai chữ “nhẫn nại” làm phương châm cho đời mình – bất luận trong hoàn cảnh nào cũng dứt khoát không chịu đầu hàng, cương quyết nhẫn chịu hết thảy bằng cả thân lẫn tâm. Khi còn ở tại quê nhà Ðông Bắc, tôi đã quen “chịu nóng chịu lạnh.” Vào những ngày “tam cửu”2 (thời kỳ lạnh nhất trong năm), tôi không mang giày mang vớ gì cả, cứ để chân trần mà đi trong tiết trời giá rét như cắt, khiến chân bị lạnh cóng đến đau buốt – nhưng tôi vẫn cố gắng chịu đựng, hễ nhẫn nại được thì không còn thấy đau nữa! Còn trong mấy hôm “tam phục”3 (thời kỳ nóng nực nhất trong năm) thì khí trời nực nội đến nỗi đầu óc choáng váng, mặt mày xây xẩm; bước đi mà cứ thấy trước mắt một màn tối đen, tưởng chừng như trời đất đang quay cuồng đảo lộn vậy. Nhiều người cảm thấy nóng bức đến lả người, nhưng tôi nhận thấy cũng không đến nỗi nào, chỉ cần ngồi nghỉ một lát là khỏe ngay. Tôi lấy hai chữ “nhẫn nại” làm Pháp-bảo để khắc phục mọi khó khăn – chịu lạnh chịu nóng, dầm mưa dãi nắng, nhịn đói nhịn khát; tôi nhẫn nại chịu đựng tất cả, nhất quyết không “kéo cờ trắng” đầu hàng.

Sau khi xuất gia, tôi chuyên tâm tu Pháp Môn Nhẫn Nhục. Nếu có người mắng tôi ư? Thì tôi cứ như chẳng nghe thấy gì cả, hoặc coi như mình đang nghe nhạc vậy, và tự nhiên được bình an vô sự! Nếu có người đánh tôi ư? Tôi tuyệt đối không đánh trả, mà chỉ đón nhận với thái độ bình tĩnh, ôn hòa! Tôi cũng kiên nhẫn hành trì các khóa lễ Công Phu Khuya và Công Phu Tối – sáng sớm tinh mơ, khi gần đến giờ phải lên Chánh Ðiện, dù đang ngon giấc mà nghe tiếng mõ báo hiệu là tôi lập tức vùng dậy. Súc miệng rửa mặt, chuẩn bị xong xuôi là tôi lên Chánh điện chờ sẵn; bao giờ tôi cũng đến sớm năm phút, không một lần trễ nãi!

Từ khi xuất gia đến nay, tôi luôn luôn dùng lòng nhẫn nại để làm việc. Khi tôi đến những nơi khác để tham cứu học hỏi, bất luận là hành lễ Công Phu Khuya, Công Phu Tối, giảng Kinh thuyết Pháp, nghe Kinh nghe Pháp, hay Cúng Ngọ, tôi đều tới sớm hơn giờ giấc ấn định, chưa bao giờ chậm trễ một chút! Hôm nay tôi mang sự việc trước kia của mình ra kể cho các bạn nghe tức là “hiện thân thuyết Pháp” vậy!

Nếu muốn tu hành một cách chân chánh, thì các bạn không được lười biếng, khi làm việc thì phải tích cực, hăng hái, và không được thiếu lòng nhẫn nại. Dẫu có những điều không thể nhẫn nhịn được thì cũng phải nhẫn nhịn, và nếu có những việc không thể chịu đựng nổi thì cũng phải chịu đựng. Nhẫn nhịn và chịu đựng tất cả – đó là kim chỉ nam của người tu hành. Ðặc biệt là trong thời kỳ còn đang học hỏi, rèn luyện thì các bạn càng phải cố gắng nhẫn nhịn và chịu đựng hơn nữa; cho dù thật tình là chẳng thể nào nhẫn nhịn được nữa thì cũng vẫn phải ráng dằn lòng mà nhẫn nhịn! Có câu:

Nhẫn phiến khắc, phong bình lãng tĩnh,
Thối nhất bộ, hải khoát thiên không.
(Nhẫn một chút, gió êm sóng lặng,
Lùi một bước, biển rộng trời cao.)

Các bạn không được tùy tiện nổi nóng; phải biết rằng:
Vô minh hỏa năng thiêu hủy công đức lâm!
(Lửa vô minh có thể thiêu rụi rừng công đức!)

Ðó là một câu danh ngôn rất chí lý và cũng là một nhận định đầy kinh nghiệm. Mọi người hãy nhớ lấy, hãy khắc ghi trong lòng! Phải thận trọng, chớ nên nổi giận!

Các bạn không nên tùy tiện nổi nóng, cho rằng như vầy là không đúng, như thế là không phải, hoặc trông thấy cái gì cũng lấy làm gai mắt, khó chịu. Ðành rằng ở đời có nhiều việc không như ý mình mong muốn, thế nhưng, các bạn hãy “lùi một bước” mà tự nhắc nhở: “Phải nhẫn nhịn! Mình phải nhẫn nhịn!” Nếu nhẫn nhịn được thì muôn sự đều êm đẹp, bao nhiêu rắc rối phiền phức đều không còn nữa!

Chúng ta, những người tu hành, cần phải làm mọi công việc một cách đàng hoàng, chu đáo, không được lười biếng, không được phóng túng, buông lung. Mọi người phải nghiêm túc tuân theo quy củ của đạo tràng; chớ nên nói rằng: “Hằng ngày tôi đều có tới nghe giảng Kinh, không hề vắng mặt, thì những việc khác cứ qua loa, đại khái thôi cũng được!” Tư tưởng này quả thật không thể nào chấp nhận được! Dù là Cúng Ngọ, Công Phu Khuya, Công Phu Tối hay là Pháp Hội, thì các bạn đều nên đến Chánh Ðiện sớm một chút để chờ tới giờ hành lễ, bởi như thế thì quả báo đến với các bạn trong tương lai mới được viên mãn. Bằng không, nếu thời khóa nào các bạn cũng trễ nãi, thì sau này các bạn có thể bị vuột mất cơ hội khai ngộ. Phàm nếu làm việc gì cũng đi sau đến trễ, thì công đức sẽ không được viên mãn.

Chúng ta, những người tu hành, đừng tự lý sự với chính mình hoặc tự làm luật sư biện hộ cho mình. Nên có câu rằng:

Như thị nhân, như thị quả.
(Nhân nào thì quả nấy.)

Hễ trồng thiện nhân thì được thiện quả, gieo ác nhân thì gặp ác báo – đó là định luật “thiên kinh địa nghĩa,” là định luật muôn thuở của trời đất. Nếu trồng cái nhân trọn vẹn thì khi kết trái sẽ được quả trọn vẹn, trồng cái nhân nửa chừng hay lỡ dở thì sẽ sanh ra quả nửa chừng hay lỡ dở. Mọi người cần phải thật sự thấu suốt điểm này, chớ nên thờ ơ, xem như gió thoảng qua tai!

(Giảng ngày 01 tháng 5 năm 1983)

7/. Sống Ở Ðạo Tràng Phải “Tùy Chúng”

Quy củ của đạo tràng là nếu có công việc thì mọi người cùng làm chung với nhau. Ăn thì cùng nhau ăn, làm công quả thì cùng nhau làm. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp ngoại lệ, ví dụ như những người thật sự biết dụng công ngồi Thiền, tịnh tọa hằng ngày, thì họ có thể bớt làm các công việc khác. Tại sao? Bởi vì họ dụng công như thế tức là tu hành rồi! Và niệm Phật hay lạy Phật thì cũng đều là dụng công tu hành cả. Nếu quả có tình trạng đặc thù như thế, thì đó là trường hợp cá biệt, chúng ta khỏi phải đề cập tới. Nếu không thuộc trường hợp đặc biệt, thì tuyệt đối không được lười biếng, không được trốn việc cho khỏe thân, mà phải đồng loạt tuân theo quy củ, nề nếp của đạo tràng.

Các bạn không phải là lúc nào cũng ngồi Thiền, cũng chẳng phải là luôn luôn lạy Phật, thế mà khi hành lễ Công Phu Khuya và Công Phu Tối thì lại không có thì giờ tham gia (nhưng lại có thì giờ để nói chuyện thị phi), hoặc là đã đến giờ hành lễ Công Phu Khuya và Công Phu Tối rồi mà cứ lần khân chần chờ, các bạn trễ, tôi trễ, và người khác cũng trễ nữa, thế thì các khóa Công Phu Khuya và Công Phu Tối để cho ai làm chứ? Người tu hành mà không làm lễ Công Phu Khuya và Công Phu Tối thì làm gì?

Trong đạo tràng, các thời khóa Công Phu Khuya và Công Phu Tối là việc chung của Thường Trụ, là công việc mà không một ai được trốn tránh. Không làm lễ Công Phu Khuya và Công Phu Tối tức là coi thường đạo tràng, mà coi thường đạo tràng tức là coi thường Phật, và coi thường Phật thì cũng như coi thường đại chúng. Nếu coi thường đại chúng, thì không thể “cộng trụ,” không thể cùng sống chung; và như thế tức là không thể cùng tu hành với mọi người được nữa!

Ngoại trừ thời gian hành trì Công Phu Khuya và Công Phu Tối, thời giờ còn lại là tùy ý mỗi người muốn làm gì thì làm. Ai muốn phiên dịch kinh điển thì phiên dịch kinh điển, ai muốn đọc sách Phật thì đọc sách Phật, ai muốn nói chuyện thị phi thì đi nói chuyện thị phi, ai muốn nghe chuyện thị phi thì cứ việc nghe chuyện thị phi, chẳng có ai can thiệp hoặc ngăn cấm các vị cả. Tuy nhiên, đến giờ hành lễ Công Phu Khuya và Công Phu Tối thì các bạn nhất định phải tham gia, bởi vì Công Phu Khuya và Công Phu Tối là pháp môn tất yếu, là thời khóa bắt buộc phải theo của đạo tràng.

Người tu Ðạo cần phải bảo vệ, gìn giữ và tôn trọng đạo tràng, và phải tuân theo mọi quy củ của đạo tràng. Hễ nghe tiếng chuông trống gióng lên báo hiệu sắp đến giờ hành lễ thì mọi người phải lập tức bỏ hết công việc đang làm dở để chuẩn bị lên Chánh Ðiện, không được chậm trễ. Ai nấy cần phải có tinh thần “tranh tiên khủng hậu” luôn luôn cố gắng tới trước, không được bỏ lại đằng sau. Nếu các bạn cho rằng các thời khóa Công Phu Khuya và Công Phu Tối không quan trọng, chỉ miễn cưỡng tham gia, thì quả thật là các bạn ở trong đạo tràng để chờ ngày xuống địa ngục! Có câu:

Ðịa ngục môn tiền Tăng Ðạo đa.
(Trước cửa địa ngục các thầy, ông Ðạo rất nhiều.)
Bất luận là người xuất gia hay là kẻ tại gia, một khi đã sống trong đạo tràng tất phải biết tùy hỷ công đức, nghiêm chỉnh làm Phật sự; chứ không thể a dua hoặc hùa theo kẻ khác, bởi như vậy thì thật không có triển vọng!

8/. Phiền Não Là Bồ Ðề

Ðức Phật thấy chúng sanh chịu đựng bốn nỗi khổ to lớn là sanh, già, bệnh, chết, nên Ngài bèn phát tâm xuất gia tu hành, tìm cách giải quyết vấn đề ấy. Trong sự vô minh của chúng ta, phiền não bất giác xuất hiện -khi thì bộc lộ qua sắc tướng, lúc lại tiềm tàng trong tâm trí, và cũng có khi vô minh dấy khởi nên cái gì cũng không biết cả. Hễ vô minh vừa tác oai tác quái là mình trở nên hồ đồ ngay, cho nên phiền não chính là nhân duyên cản trở việc tu Ðạo, là chướng ngại vật trên đường Ðạo.

Song le, chẳng thể không có phiền não! Vì sao? Bởi “phiền não tức là Bồ-đề.” Nếu biết vận dụng thì phiền não chính là Bồ-đề, nếu không biết vận dụng thì Bồ-đề biến thành phiền não! Bồ-đề ví như nước và phiền não ví như băng vậy; nước chính là băng, băng chính là nước. Nước và băng vốn cùng một thể chứ chẳng phải là hai thứ khác biệt nhau. Khi giá lạnh thì nước đông lại thành băng và lúc nóng bức thì băng tan thành nước. Vậy, nói một cách khác thì khi có phiền não tức là “nước đóng thành băng,” và lúc không phiền não tức là “băng tan thành nước;” lý này rất dễ hiểu. Lại nữa, có phiền não thì có “băng” phiền não -vô minh, và không có phiền não thì có “nước” Bồ-đề -trí huệ. Về điểm này, các bạn hãy thiết thực nhớ lấy, ghi khắc vào lòng! Chúng ta tu Ðạo, chớ nên tu tới tám vạn đại kiếp mà cái phiền não này vẫn cứ tồn tại. Ngày ngày “ăn” phiền não mà sống, nếu không “ăn” phiền não thì chết đói, bởi như thế thì thật là rất đáng thương!

Bệnh tật của chúng ta là từ đâu mà ra? Chính là từ ba cái độc tham, sân, si! Nếu con người không có ba thứ độc này thì bệnh tật gì cũng không có cả. Giới, Ðịnh, Huệ trong Phật Pháp chính là phương thuốc đặc hiệu để trị căn bệnh “tham, sân, si.” Thuốc này hiệu nghiệm như thần, “thuốc đến, bệnh đi,” nên nói:

Tâm thanh, thủy hiện nguyệt,
Ý định, thiên vô vân.

(Tâm lắng, nước hiện trăng,
Ý dừng, trời không mây.)

Ðó là thứ cảnh giới không còn phiền não. Có câu:
Tâm chỉ niệm tuyệt: chân phú quý,
Tư dục đoạn tận: chân phước điền.

(Tâm dừng, niệm dứt: giàu sang thực,
Tư dục hết sạch là ruộng phước.)

Tâm vọng tưởng dừng hẳn, ý niệm phan duyên không còn, đó đúng là giàu sang thật sự. Nói tóm lại, không tham tức là giàu sang. Vì sao người ta tham lam? Vì họ không “tri túc,” nên cảm thấy thiếu thốn, chưa đầy đủ! Không có tư dục chính là ruộng phước, nếu dứt bỏ được mọi ham muốn ích kỷ thì đúng là ruộng phước thật sự. Các bạn hãy đặc biệt lưu ý:

Tâm bình: bách nạn tán,
Ý định: vạn sự kiết.

(Tâm bình lặng, trăm nạn tiêu tan,
Ý an định, muôn sự được kiết tường.)

Câu danh ngôn trên đây rất chí lý và vô cùng hữu ích, đáng cho mọi người lấy làm khuôn vàng thước ngọc.

“Phiền não” là gì? Là “phiền thân não tâm,” không được thanh thản, tự tại.

“Ưu” là gì? Ưu có nghĩa là “ưu sầu khổ não,” buồn rầu, không vui.

“Hoạnh” là gì? Hoạnh tức là “phi tai hoạnh họa,” có nghĩa là tai bay vạ gởi, bất ngờ xảy ra chuyện không may.

Những sự việc này ràng buộc hoặc bức bách các bạn khiến cho các bạn như bị khóa chặt bởi cái “khóa vô minh,” bị trói chằng chịt bởi sợi dây phiền não, hoặc có cảm giác nghẹt thở như bị tảng đá lớn đè lên người vậy. Chính vì muốn cho hết thảy chúng sanh dứt bỏ mọi phiền não để đạt sự an vui và xa lìa mọi bức bách hầu đạt sự giải thoát, nên Ðức Phật mới khuyên tất cả chúng sanh nên phát tâm Bồ-đề rộng lớn và tu học công đức cùng đạo hạnh của Phật. Do đó, tất cả chúng sanh chúng ta nên vâng lời Ðức Phật, tin tưởng Ðức Phật, và càng nên y giáo phụng hành hơn nữa!

Tâm phiền não của chúng sanh thì nhiều đến vô lượng vô biên, nhưng nên biết rằng nó giống như các ảo ảnh trông thấy khi bị ánh mặt trời làm hoa mắt (dương diễm) vậy. Chúng sanh điên điên đảo đảoỦlấy thẳng làm cong, lấy cong làm thẳng; lấy đen làm trắng, lấy trắng làm đen; lấy thiện làm ác, lấy ác làm thiệnỦdù giáo hóa thế nào đi nữa thì cũng vẫn cứ chứng nào tật nấy, chướng ngại chồng chất. Nếu nêu ra khuyết điểm của họ, thì chẳng những họ không vui, không chịu sửa sai, không phục thiện, mà còn tìm cách che đậy, biện hộ cho những lỗi lầm của họ, và thậm chí còn nổi đại vô minh, sanh đại phiền não nữa. Chư Bồ Tát trông thấy những chúng sanh như thế thì khởi lòng từ bi thương xót, tận tình dạy bảo, năm lần bảy lượt căn dặn họ đừng nên nói chuyện thị phi, đừng nên sanh phiền não; và còn cho biết rằng nếu họ không nổi nóng, không đố kỵ, không chướng ngại kẻ khác, thì họ sẽ vượt khỏi bể khổ.

Thân người là giả tạm, đừng xem cái “túi da” hôi hám này như báu vật rồi cứ lo nâng niu, chăm sóc, sợ “nó” cực khổ, vất vả. Các bạn muốn cho “nó” được sung sướng, an nhàn, nhưng “nó” lại luôn luôn gây thêm rắc rối, phiền lụy cho các bạn!

(Giảng ngày 03 tháng 5 năm 1983)

9/. Làm Thế Nào Ðể Dứt Trừ Phiền Não?

Bồ Tát thấy chúng sanh trong Tam Giới đều mắc chứng bệnh phiền não của Tam Ðộc: tham, sân, si, nên phải chịu đựng đủ thứ khổ não, thiêu đốt, bức bách triền miên.

Trên lý thuyết thì người xuất gia tu Ðạo không nên có phiền não; thế nhưng, thực tế thì nhiều người vẫn còn vô số phiền não! Vì sao? Vì tâm họ không thanh tịnh, họ cứ thấy cái này không được, cái kia không đúng, nào là người này có sai lầm, kẻ kia có khuyết điểm… Nói tóm lại, họ bị rất nhiều phiền não bủa vây, khiến cho thân tâm họ không được tự tại, thanh thản. Các bạn ngẫm lại xem, người nào cũng có phiền não của người ấy, từ ông tổng thống cho đến kẻ hành khất, ai ai cũng có những buồn phiền, đau khổ riêng cả! Những vị nguyên thủ của các quốc gia trên thế giới thì hôm nay ưu tư vận nước, ngày mai lo nghĩ chuyện dân, họ có rất nhiều chuyện bận tâm, phiền lòng. Còn những người hành khất đi ăn xin mà gặp khi người ta không muốn bố thí thì họ cũng có thể tức giận, sanh phiền não vậy. Nếu muốn không còn phiền não, thì chỉ có một biện pháp duy nhất là:

Cần tu Giới Ðịnh Huệ,
Tức diệt Tham Sân Si.

(Siêng tu Giới Ðịnh Huệ,
Dứt bỏ Tham Sân Si.)

Khi việc tu hành được viên mãn thì tự nhiên không còn sanh khởi phiền não nữa.
Chính vì những chúng sanh mắc bệnh “Tam Ðộc,” bệnh “phiền não” mà chư Bồ Tát đã phát tâm từ bi rộng lớn, phổ biến phương pháp đối trị. Ðức Phật thuyết giảng tám vạn bốn ngàn pháp môn là để đối trị tám vạn bốn ngàn chứng bệnh phiền não của chúng sanh, đó chính là tám vạn bốn ngàn toa thuốc có công năng xoa dịu và trị lành mọi bệnh khổ của chúng sanh. Tuy nhiên, nếu chỉ nghiên cứu toa thuốc mà không uống thuốc thì không ích lợi gì cả; cho nên, người học Phật Pháp cần phải có công phu “tín, giải, hành, chứng” thì mới có thể thành tựu được!

10/. Khai Thị Nhân Ngày Lễ Tắm Phật

Giữa Nam Tông và Bắc Tông có sự bất đồng về ngày đản sanh của Ðức Phật. Tuy nhiên, bất luận ngày nào, chỉ cần mọi người thành kính tưởng nhớ, trang nghiêm lễ bái, thì ngày đó chính là ngày Ðức Phật đản sanh. Bởi lẽ “pháp vô định pháp,” cho nên dẫu có nghiên cứu riêng về một vấn đề này đến tóc bạc, mắt lòa, cũng vẫn không tìm ra được một đáp án đúng đắn, chỉ lãng phí thì giờ quý báu, như thế thì đáng tiếc biết bao!

Theo đạo Phật, mỗi người nói chung đều có chỗ chấp trước, câu nệ. Người thì chấp trước Phật Giáo Ấn Ðộ, kẻ thì chấp trước Phật Giáo Tích Lan, Phật Giáo Trung Hoa hoặc Phật Giáo Nhật Bản, v.v… Chính vì sự chấp trước và quan điểm bất đồng đã khiến cho Phật Giáo trở thành có giới hạn, có ranh giới, và gây nên sự chia rẽ trong Phật Giáo.

Thật ra, Phật Giáo vô lượng vô biên, không hề có một phạm vi nhất định. Do đó, tôi trước sau vẫn chủ trương là không nên vạch ranh giới cho Phật Giáo, mà trái lại, tất cả phải đoàn kết nhất trí, “thế giới một nhà” mới đúng! Tôi vẫn thường nói: “Phật Giáo mà tôi giảng thì không phải là Phật Giáo Ấn Ðộ, cũng chẳng là Phật Giáo Trung Hoa, mà chính là thứ Phật Giáo ‘tận hư không, biến Pháp Giới!'” Nói rõ hơn thì không có Phật Giáo nào có quốc tịch, không có Phật Giáo nào có chủng tộc, và cũng không có thứ Phật Giáo phân chia nhân, ngã hay mình, người! Không phải chỉ có kẻ tín ngưỡng Phật Giáo mới là đệ tử Phật, mà ngay cả những người không tín ngưỡng Phật Giáo cũng là đệ tử của Phật! Vì sao? Là vì Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni từng dạy rằng:

Nhất thiết chúng sanh,
Giai hữu Phật tánh,
Giai kham tác Phật!

Nghĩa là:

Tất cả chúng sanh,
Ðều có Phật tánh,
Ðều đặng thành Phật!

Ðiều này chứng tỏ rằng người tin Phật là chúng sanh, mà người không tin Phật cũng là chúng sanh!

Có người nói: “Tôi không phải là chúng sanh!” Thế thì, thử hỏi: “Bạn không phải là chúng sanh; vậy thì bạn là gì?”

Có người lại cả quyết: “Tôi tên là Thiên (trời), vậy thì tôi là trời!” Bạn nên biết rằng: “Trời” cũng là một chúng sanh!

Cũng có người nói: “Tôi tên là Ðịa (đất), vậy thì tôi là đất!” Bạn nên nhớ rằng: “Ðất” cũng là chúng sanh và cũng không vượt ra ngoài vòng chúng sanh!

Tận cùng cõi hư không và khắp cả Pháp Giới đều là nơi cư ngụ của chúng sanh. Trong mười Pháp Giới, chỉ có Phật Pháp Giới là vượt ra ngoài vòng chúng sanh; kỳ dư, chín Pháp Giới còn lại (Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn, Trời, Người, A Tu La, Súc Sanh, Ngạ Quỷ, Ðịa Ngục) đều thuộc trong vòng chúng sanh, nên đều được gọi là “chúng sanh.”

Chúng ta đều là chúng sanh, thế thì, nếu tôi xem những kẻ không tin theo đạo Phật cũng thuộc về Phật Giáo thì có gì là không công bằng chứ? Ðây chính là tánh cách “toàn thể đại dụng” của Phật Giáo. Ðức Phật dạy rằng:

Nhất thiết chúng sanh giai khả thành Phật!
(Tất cả chúng sanh đều có thể thành Phật!)

Dù các bạn có tin theo Phật Giáo hay không, trong tương lai, tất cả các bạn đều sẽ thành Phật! Vì sao? Vì các bạn chạy không khỏi cái vòng chúng sanh! Người nào hiện tại không tin Phật, thì tương lai sẽ tin Phật; đời này không tin Phật; thì đời sau có thể tin Phật nói tóm lại là mọi người rồi sẽ tin Phật, do đó mà tất cả chúng sanh đều được xem như đệ tử của Phật.

Hiện nay có tôn giáo không giảng đạo lý, cứ quả quyết rằng: “Chỉ có một vị Thần độc nhất vô nhị, có thể làm chủ tể thế giới, sáng tạo thế giới, và khống chế vũ trụ mà thôi. Con người thì không có tư cách làm Thần, mà chỉ có thể làm nô lệ cho Thần và chịu sự chi phối của Thần!” Thứ lý luận này rất tương phản với tông chỉ của Phật Giáo!

Theo tông chỉ của Phật Giáo thì ai ai cũng có thể thành Phật được cả. Các chúng sanh đời hiện tại chính là cha mẹ của chúng ta trong đời quá khứ và là những vị Phật trong tương lai. Nếu chúng ta sanh lòng sân hận đối với chúng sanh thì cũng như sân hận cha mẹ mình và chư Phật; và như thế tức là chúng ta trở thành những kẻ bất hiếu, đại nghịch! Do vậy, đối với chúng sanh thì chúng ta cần phải từ bi, kính trọng. Giữa người với người thì nên đối đãi một cách chân thành và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau; chứ đừng chướng ngại, đố kỵ nhau. Ðó là điểm vĩ đại nhất của đạo Phật.

Hôm nay các bạn đến Vạn Phật Thánh Thành tham gia Lễ Tắm Phật, thì tôi xem các bạn như là đệ tử của Phật (mà không cần biết các bạn có tin Phật hay không, có tắm Phật hay không!) Người tín ngưỡng Thiên Chúa tôi cũng kể như đệ tử của Phật, người tín ngưỡng Giê-su tôi cũng coi là đệ tử của Phật. Ngay cả những người tín ngưỡng Do Thái Giáo, hoặc Hồi Giáo, v.v… Tôi cũng đều xem họ như đệ tử của Phật. Tôi tuyệt nhiên không hề xem các bạn là “người ngoài” đối với Phật Giáo. Tất cả mọi người đều là một nhà, cùng chung một gia đình, không phân biệt người này kẻ nọ. Các bạn xem, Phật Giáo hoàn toàn không có tư tưởng bài xích tôn giáo khác, thật là vĩ đại biết bao!

(Giảng ngày 09 tháng 5 năm 1983)

Phụ Lục: Nhân Quả Vay Trả, Mảy May Chẳng Sai

(Châu Quả Lập)

Hôm nay nhằm Lễ Phật Ðản (mồng tám tháng tư âm lịch, năm 1983), sao chép Kinh Hoa Nghiêm vừa đến phần Tám Tướng Thành Ðạo của Ðức Phật. Hồi tưởng ngày này năm trước, sớm mai thức dậy chợt thấy rất khó chịu nơi chân phải, một lúc sau thì lại không cử động được nữa, đau đớn như bị ai lấy chùy mà đánh. May nhờ Ân Sư Tuyên Hóa Thượng Nhân từ bi, dùng thần chú gia trì làm dịu hẳn mọi đau nhức. Trải qua nửa năm trời tĩnh dưỡng, sức khỏe được hồi phục; nay lại có thể tiếp tục sao chép Kinh Hoa Nghiêm, tâm nguyện như vậy cũng đã thỏa. Hôm nay cảm khái muôn vàn, bèn mượn bút ghi lại mấy dòng cảm tưởng.

Mùa xuân năm 1975, kẻ viết bài này có duyên may hạnh ngộ gặp Thượng Nhân tại Nhật Bản và được Ngài thâu nhận là đệ tử. Ðến mùa thu năm ấy thì kẻ này sang Hoa Kỳ, nguyện hiến thân cho Phật Giáo, đảm nhiệm công việc sao chép kinh điển. Lòng những mong báo đáp ơn Thầy nên tận lực làm việc, lại đối trước bệ thờ Quán Thế Âm Bồ Tát lập ba đại nguyện: (1) Không tranh hơn, thiệt; (2) Không bàn đúng sai; (3) Không quên ân, oán. Trong cơn bệnh hoạn vừa qua, đã sửa lại là “không nhớ ân, oán” (thay vì “không quên ân, oán”) và quyết định chuyên tâm tu tập Pháp Môn Nhẫn NhụcỦbất luận gặp phải nghịch cảnh nào cũng cố dằn lòng, nhẫn chịu, chứ không tìm cách lẩn tránh. Vì sao? Vì nghiệp chướng mình quá nặng nề, đành phải mượn cách này để tiêu trừ bớt vậy!

Người ta mắc bệnh, tất có nguyên do. Kẻ viết bài này nhờ ơn Thượng Nhân quán sát tiền nhân hậu quả lần đau chân ấy mới biết được rằng: Vào thời Tống triều kẻ này từng giữ chức Sứ Bộ Thượng Thư, do xét án nghiêm khắc mà hại đến ba mạng người. Tuy là vì việc công, song cũng bởi thiếu lòng từ bi nên mới gieo trồng nghiệp chướng. Nay nhân duyên chín muồi, phải cam chịu quả báo một phen bệnh hoạn đau đớn dường ấy. Thật đúng là “nhân quả không sai chạy một mảy may!”

Kẻ phạm tội nọ bị xử chém; vợ y thì treo cổ trên xà nhà tự tử trong lúc đang mang thai một bé trai (gần tới kỳ sinh nở). Bị hại đến nhà tan cửa nát, nữ quỷ bèn tìm tới kẻ viết này đòi đền lại ba mạng người. Thượng Nhân dùng hết tâm cơ điều đình để hòa giải kẻ này mới được vô sự, nữ quỷ chịu xóa bỏ oán thù mà đi. Kẻ viết này rất đỗi hổ thẹn, cam lòng nhận lãnh quả báo.
Nay kính cẩn ghi lại nhân duyên này hầu khuyến khích chư đạo hữu. Ngưỡng mong chư vị sanh tín tâm sâu dày đối với vấn đề nhân quả, thận trọng lúc trồng nhân, và chóng thành tựu Ðạo quả!
Thánh hiền xưa có nói bài kệ nhân quả như sau:

Dục tri tiền thế nhân,
Kim sanh thọ giả thị.
Dục tri lai thế quả,
Kim sanh tác giả thị.

Nghĩa là:

Muốn biết nhân đời trước,
Xem thọ báo đời nàỵ
Muốn biết quả đời sau,
Xét việc hiện đương làm!

Pages: 1 2 3 4 5 6