Khai Thị Niệm Phật Với Thiền Sinh

Trích Thiên Như Đại Sư Khai Thị Niệm Phật
HT Thích Thiền Tâm

  Hỏi:- Sở dĩ Phật, Tổ ra đời vì độ chúng sanh; học giả chỉ lo việc lớn chưa xong, nếu đã phát minh đại sự (tức ngộ đạo), nên theo gương đấng Đại Giác hiện thân vào nơi khốn khổ, không hiềm đường sanh tử, mà độ khắp hàm linh. Nếu bậc đã ngộ đạt mà còn cầu sanh Tịnh Độ, đó chẳng qua là tâm niệm chán khổ tìm vui, không đoái đến kẻ đang ở trong vòng chìm đắm? Tôi dù ngu hèn, vẫn không thích làm như vậy!

Đáp:- Thấy chiếc trứng mà muốn cho nó nở liền, tâm niệm ấy sao đà vội gấp! Ông cho rằng sau một phen tỏ ngộ, thì nghiệp tập đã dứt sạch, được ngay vị bất thối chuyển ư? Và cũng không còn học khắp Phật Pháp, không cần phải tu hành thêm để chứng những quả vị từ thấp đến cao ư? Hay là ông lại nghĩ: sau một phen ngộ đạo, tất đã đồng hàng với chư Phật, có thể vào sanh ra tử không bị chướng duyên nhiễu loạn ư? Nếu quả như thế thì chư Đại Bồ Tát trải qua hằng hà sa kiếp tu sáu độ muôn hạnh, cũng đều phải hổ thẹn với ông vậy! Cổ giáo đã có lời răn nhắc: ‘Hàng Thanh Văn còn muội lúc ra thai, bậc Bồ Tát còn mê khi cách ấm!’ Hai hạng ấy mà còn như thế, huống chi người ngộ giải non kém, tự cứu chưa xong giữa đời nay ư? Dù cho chỗ tỏ ngộ có sâu xa, trí thông hiểu có cao sáng, hạnh cùng giải hợp nhau, chí quyết muốn độ người; nhưng vì chưa lên hàng bất thối, lực dụng chưa đầy đủ, mà muốn ở cõi đời ác nầy hóa độ kẻ cang cường, điều ấy bậc Tiên Thánh cũng chưa hứa nhận. Ví như đem chiếc thuyền đóng trám chưa kỹ, để vớt người nơi biển dậy ba đào, cái họa trầm nịch cả đoàn tất không tránh khỏi. Cho nên Luận Vãng Sanh nói: ‘Muốn du hành nơi địa ngục, muốn cứu độ chúng hữu tình mê khổ, trước phải cầu sanh về cõi kia, đợi khi chứng được Vô Sanh Nhẫn rồi sẽ trở lại đường sanh tử mà thật hành bản nguyện. Do nhân duyên ấy nên người tu mới cầu về Tịnh Độ.’ Lại Tiên Thánh cũng đã bảo: ‘Chưa được vị Bất Thối Chuyển, chưa chứng Vô Sanh Nhẫn, cần phải thường không rời Phật. Ví như trẻ thơ không nên xa mẹ, như chim non chỉ có thể bay chuyền theo cành cây.’

Nay ở cõi Ta Bà nầy Đức Thích Ca đã diệt, Phật Di Lặc chưa sanh. Huống nữa, bốn đường khổ thú, nhân quả dây dưa, trăm mối ngoại tà, thị phi rối loạn; sắc tốt tiếng dâm hằng quyến dụ, cảnh hư duyên ác mãi vây quanh. Trong hiện trạng ấy, đã không có Phật để nương nhờ, lại bị cảnh duyên làm khuấy động, hàng sơ tâm ngộ đạo hỏi mấy ai không bị thối lui? Cho nên Đấng Thế Tôn ân cần chỉ về Cực Lạc là bởi lý do ấy. Phương chi ở cõi kia, Đức Di Đà hiện đang nói pháp, cảnh diệu độ muôn thứ thuận duyên; đã nương nhờ hải chúng, nhẫn lực mau thành, lại gần Đấng Pháp Vương, Phật Thừa dễ đạt. Chừng ấy muốn ra ứng hoá độ sanh, còn chi trở ngại? Cũng vì lẽ ấy, nên bậc thượng căn lợi trí còn nguyện thác sanh, huống chi ông là hạng trung hạ mới được đôi chút giải ngộ đó ư?

Ông há không thấy trong kinh Quán Phật Tam Muội, Ngài Văn Thù tự bày tỏ túc nhân, bảo mình đã chứng môn Niệm Phật Tam Muội, thường sanh ở Tịnh Độ ư? Do bởi đó, Đức Thế Tôn mới thọ ký cho ngài rằng: ‘Ông sẽ được sanh về thế giới Cực Lạc.’

Lại chẳng thấy trong kinh Hoa Nghiêm, Phổ Hiền Bồ Tát đem mười đại nguyện vương khuyến tấn Thiện Tài Đồng Tử và đại chúng nơi hải hội, nên dùng công đức đó cầu sanh về Cực Lạc ư? Trong ấy có đoạn nói: ‘Tôi nguyện khi đến lúc lâm chung. Dứt trừ tất cả điều chướng ngại. Diện kiến Đức Phật A Di Đà, liền được sanh về cõi Cực Lạc.’

Lại chẳng thấy trong Kinh Lăng Già, Đức Thế Tôn đã huyền ký: ‘Sau xứ Nam Thiên Trúc, có danh đức Tỳ Khưu, tôn hiệu là Long Thọ. Hay phá hữu, vô tông. Trong thế gian hiển ngã. Pháp Vô Thượng đại thừa. Chứng Sơ Hoan Hỷ Địa. Sanh về cõi Cực Lạc’ ư?

Và chẳng thấy trong Luận Khởi Tín, Mã Minh Bồ Tát, khen ngợi sự vãng sanh; trong Kinh Đại Bảo Tích, Phật hứa khả cho Tịnh Phạn Vương và bảy muôn Thích chủng đồng về An Dưỡng; trong Kinh Thập Lục Quán, Đức Thế Tôn chỉ dạy phương pháp cho bà Vi Đề Hy cùng năm trăm thị nữ được lễ cẩn Đức A Di Đà ư?

Trong mấy vị trên, như Vua Tịnh Phạn và bà Vi Đề Hy hiện tiền đều đã chứng được Vô Sanh Pháp Nhẫn. Ở Tây Trúc những hạng ấy cầu vãng sanh rất nhiều. Bên đông độ thì có Viễn Công ở Lô Sơn cùng các bậc cao nhơn trong Liên Xã, những vị tôn túc ở hai tông Thiên Thai, Hiền Thủ, tất cả đều dùng môn niệm Phật tự tu và độ người khuyến hóa hàng tăng tục đồng cầu sanh về Tịnh Độ. Nói chung những bậc cao đức tu tịnh nghiệp số lượng không biết bao nhiêu mà kể! Đến như hai ngài Văn Thù, Phổ Hiền là bậc Đại Bồ Tát, Thiện Tài Đồng Tử và hải chúng Hoa Tạng đều là bậc đại nhơn trong bốn mươi mốt vị. Mã Minh, Long Thọ là hàng Bồ Tát, mà cũng là bậc Đại Tổ Sư.

Những thánh nhơn ấy chỗ ngộ và chứng siêu xuất hơn người ngộ đạt ngày nay như trời với vực, mà còn nguyện sanh về Tây Phương, ông bảo rằng đã tỏ ngộ không cầu về Cực Lạc, lại bác sự cầu sanh, thì các ngài Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ, chắc là không bằng ông rồi! Ông thử tự lượng xem chổ tu chứng có bằng hai bậc Đại Sĩ, và hai vị Tổ Sư; sự tham ngộ có bằng ngài Thiện Tài cùng hải chúng, cảnh giới sở đắc và được Phật hứa khả có bằng vua Tịnh Phạn và bà Vi Đề Hy chăng? Vã Tịnh Phạn Vương là thân sanh của Phật, bảy muôn Thích chủng là tộc thuộc của Ngài, nếu sự về Tịnh Độ không có lợi ích thì Đức Thế Tôn đâu nỡ khiến phụ vương và hàng thân thuộc cầu vãng sanh? Trước kia đã nói bậc chứng được Vô Sanh Nhẫn có thể vào tục độ sanh, nay vua Tịnh Phạn và người thân thuộc của Phật đã đắc quả ấy mà Đức Như Lai còn khuyên và thọ ký cho vãng sanh, thì tấm lòng hộ trì bảo dưỡng của Ngài há chẳng là thân thiết và sâu xa ư?

Tôi thấy hàng thiền giả đời nay phần nhiều không xét liễu nghĩa của Như Lai, chẳng rõ huyền cơ của Đạt Ma, bụng rỗng lòng cao, tập quen thành bệnh cuồng vọng. Khi thấy người tu Tịnh Độ, họ khinh thường và cười bảo: ‘Đó là việc làm thấp kém của hàng ngu phu ngu phụ!’ Tôi thường cho đó không phải khinh hạng ngu phụ ngu phu, mà chính là khinh các Ngài Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ; đó chẳng những tự mê chánh đạo, tự làm mất căn lành mà còn tự bỏ quên huệ thân và tự để tiêu Phật chủng. Đó cũng là tự gây ra tội báng Chánh Pháp, tự kết thành nghiệp khinh Thánh Tăng. Chư Phật, Tổ xem những kẻ ấy là hạng người đáng thương xót! Vì lẽ ấy nên Ngài Vĩnh Minh động mối bi tâm đem hết tâm can chủ trương Tịnh Độ, đã tự tu lại khuyên đời. Nên khi lâm chung, Đại Sư biết trước ngày giờ, có các điềm lành ứng hiện; lúc trà tỳ xá lợi tuôn ra vô số. Về sau có một vị tăng ở Phủ Châu thường cung kính đi nhiễu xung quanh tháp của ngài, nhiều người hỏi lý do thì vị tăng ấy đáp: ‘Nhân lúc tôi bị bịnh nặng thần thức đi vào minh giới, Diêm Vương xét thấy thọ số chưa mãn, cho đưa trở về. Khi ấy tôi thấy bên phía tả đại điện có thiết bàn thờ di tượng một vị Đại Đức, Diêm Vương lễ bái ân cần. Hỏi ra thì Quan Chủ lại bảo đó là chân dung của Vĩnh Minh Diên Thọ Thiền Sư, vì ngài tu hành tinh tấn, được sanh về Thượng Phẩm ở Cực Lạc, nên Diêm Vương họa tượng để thờ.’ Vĩnh Minh Đại Sư là bậc đã ngộ suốt môn thiền trực chỉ của tổ Đạt Ma, mà lại gởi chất nơi phẩm sen thượng thượng bên trời An Dưỡng; những sự kiện ấy đủ giải thích mối tình chấp của người tu thiền, còn làm duyên khuyến tấn cho chúng sanh đời mạt pháp. Cho nên tôi nói ngài rất có công đối với bên tông cũng như bên giáo là ở điểm nầy.

Song chẳng những chỉ có Vĩnh Minh Đại Sư mới như thế mà thôi. Ngoài ra, còn có Tử Tâm Tân Thiền Sư đã ngộ bên Thiền, lại khuyên tu bên Tịnh. Ngài đã bảo: Di Đà rất dễ niệm, Tịnh Độ rất dễ sanh. Người tham thiền niệm Phật rất tốt. Nếu kẻ căn cơ hơi kém, sợ e đời nay chưa được đại ngộ, kiếp sau dễ lạc bến mê, thì nên nhờ sức bi nguyện của Đức A Di Đà để sớm vãng sanh về Cực Lạc. Nếu vị nào chí tâm niệm Phật mà không được sanh về Tịnh Độ, lão tăng xin chịu đọa vào địa ngục Bạt Thiệt (ngục rút lưỡi). Lại như Chân Yết Liễu Thiền Sư, trong bài văn khuyên tu Tịnh Độ, có nói: ‘Tại sao người trong tông Tào Động, ngoài sự tập thiền, còn mật tu Tịnh Độ? Sở dĩ có việc ấy, vì pháp môn niệm Phật là con đường tắt trong các lối tu hành. Xét trong Đại Tạng môn nầy ngoài sự tiếp dẫn bậc thượng thượng căn còn thâu nhiếp hạng người trung hạ… Bậc đại tượng trong tông môn đã ngộ pháp phi không phi hữu, lại chăm chú tu tịnh nghiệp, có phải sự thấy Phật cửa Tịnh Độ còn giản dị hơn tông môn chăng? Cho nên dù Phật dù Tổ, hoặc Giáo hoặc Thiền, đều do nơi cửa Tịnh Độ đồng về nơi chân nguyên. Vào được môn nầy, tức có thể vào được vô lượng pháp môn khác…’

Đến như các ngài: Thiên Y Hoài Thiền Sư, Viên Chiếu Bản Thiền Sư, Từ Thọ Thâm Thiền Sư, Nam Nhạc Tư Thiền Sư, Pháp Chiếu Thiền Sư, Tịnh Yết Thiền Sư, Tịnh Từ Đại Thông Thiền Sư, Thiên Thai Hoài Ngọc Thiền Sư, Lương Đạo Trân Thiền Sư, Đường Đạo Xước Thiền Sư, Tỳ Lăng Pháp Chân Thiền Sư, Cô Tô Thủ Nạp Thiền Sư, Bắc Nhàn Giản Thiền Sư, Thiên Mục Lễ Thiền Sư, những đại lão ấy là bậc tông tượng trong thiền môn, song xét ra chỗ mật tu và hiển hóa đều phát dương ý chỉ Tịnh Độ, tuy không ước hẹn mà ngẫu nhĩ đồng đường. Chẳng những các vị đại lão ấy như thế mà thôi, tôi lại thường nghe một vị kỳ túc bên tông môn nói: ‘Hầu hết ngũ gia tông phái và những thiền tăng trong thiên hạ, đã tỏ ngộ cùng chưa tỏ ngộ, đều quy hướng về Tịnh Độ.’ Hỏi lý do thì vị đó đáp: ‘Ngài Bá Trượng Trí Hải Thiền Sư là đích tử của Giang Tây Mã Tổ, những tòng lâm trong thiên hạ đều y theo cách thức của ngài mà kiến lập và thanh quy ở khắp thiền môn đều y theo pháp chế của ngài mà cử hành. Từ xưa đến nay không ai dám có lời thị phi và trái với pháp chế ấy. Theo thanh quy của ngài, thì nghi thức tụng cầu cho những vị tăng bệnh nặng có lời văn như sau: ‘Phải nhóm chúng lại, tất cả đồng tụng bài kệ tán Phật A Di Đà, rồi cao tiếng niệm Nam Mô A Di Đà Phật, hoặc trăm câu, ngàn câu. Khi niệm xong, hồi hướng phục nguyện rằng: Nếu các duyên chưa mãn, sớm được an lành. Như hạn lớn đến kỳ, sanh về A Dưỡng.’ Đó chẳng phải là bằng chứng chỉ quy Tịnh Độ hay sao? Lại trong nghi thức đưa những vị tăng đã tịch có đoạn nói: ‘Đại chúng đồng niệm A Di Đà Phật hồi hướng phục nguyện rằng: Thần siêu cõi tịnh, nghiệp dứt đường trần, thượng phẩm sen nở hiện kim thân, nhứt sanh Phật trao phần quả ký.’ Đó không phải là bằng chứng chỉ quy Tịnh Độ hay sao? Đến như lúc trà tỳ, trong thanh quy lại dạy: Vị Duy Na chỉ dẫn khánh niệm Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật mười lần, đại chúng đồng xướng họa theo.

Khi xướng xong, lại hồi hướng rằng: ‘Trước đây xưng dương mười niệm, phụ giúp vãng sanh…’ Đó không phải là bằng chứng chỉ quy Tịnh Độ hay sao? Cho nên lão tăng nói: ‘Các thiền gia trong thiên hạ đều quy hướng Tịnh Độ, là bởi nguyên nhân đó.’ Tôi nghe những lời dẫn chứng của vị kỳ túc ấy đều có y cứ, nên không biện bác ra sao được. Nhân đó tôi lại chợt hiểu chỗ lập pháp của ngài Bá Trượng tất có thâm ý nhiệm mầu.

Nay ông ở tòng lâm, thân đã đưa không biết bao nhiêu vị tăng quy tịch, tai cùng miệng đã nghe và xướng không biết bao nhiêu lần mười niệm, ý đã chuyên chú hồi hướng về Tịnh Độ lại không biết bao nhiêu lần nữa! Thế mà ông đã không hiểu ý Tổ Sư, đã không phát lòng thức tỉnh, lại lầm bảo: những bậc ngộ đạt không nguyện vãng sanh. Quả thật cái bệnh chấp thiền trong thiên hạ, không còn ai hơn ông được.