khai phế câu thời

Phật Quang Đại Từ Điển

(開廢俱時) Khai quyền và Phế quyền cùng một lúc, không chia trước sau. Đây là lời phán thích kinh Pháp hoa của tông Thiên thai. Vì muốn nêu rõ ý chỉ Khai hiển của kinh Pháp hoa, nên tông Thiên thai căn cứ vào 2 chữ Liên Hoa trong đề kinh mà khai lập 3 dụ Bản môn và 3 dụ Tích môn. Khai phế câu thời là từ 3 dụ Tích môn khai hội mà ra. Ba dụ Tích môn là: 1. Vị liên cố hoa: Vì hạt nên có hoa, ví dụ vì thực mà lập quyền. 2. Hoa khai liên hiện: Hoa nở hạt hiện, ví dụ khai quyền hiển thực. 3. Hoa lạc liên thành: Hoa rụng hạt thành, ví dụ phế quyền lập thực. Trong 3 dụ trên, dụ thứ 2(hoa nở hạt hiện)và dụ thứ 3(hoa rụng hạt thành) nếu căn cứ vào sự thực mà nói, thì hoa nở hoa rụng phải có trước sau. Nhưng, nếu nói theo lí hội nhập của giáo pháp thì khai quyền và phế quyền xảy ra cùng lúc, chứ không có trước sau. Tóm lại, khai quyền hiển thực là nói theo thể của giáo pháp, mà phế quyền lập thực là nói theo dụng của sự giáo hóa, cả 2 đều hiển bày pháp thể của quyền giáo tức là nghĩa của giáo pháp chân thực. Đó là diệu pháp của quyền thực nhất thể, cho nên mới đặc biệt dùng từ ngữ Khai phế câu thời để nói rõ nghĩa ấy. (xt. Liên Hoa Tam Dụ).