khai nguyên tự

Phật Quang Đại Từ Điển

(開元寺) Vào năm Khai nguyên 26 (738), vua Đường Huyền tông của Trung quốc ban sắc cho các châu, quận xây chùa Khai nguyên để làm nơi cầu nguyện cho quốc thái dân an, do các quan địa phương chủ trì. Về lí do vua Huyền tông hạ lệnh cho toàn quốc xây dựng chùa Khai nguyên, thì ngày nay không thể khảo chứng được, nhưng theo văn bia Tây an phủ thành nội nguyên đại Khai nguyên tự hưng giáo, thì được biết vào năm Khai nguyên 28 (740, nghi là lầm, đáng lẽ là năm Khai nguyên 26-738), vua Huyền tông từng bàn luận với pháp sư Thắng quang về vấn đề Ơn đức Phật ở điện Diên khánh. Sau khi bàn luận, vua Huyền tông qui y làm đệ tử Phật và hạ lệnh cho các châu, phủ trên cả nước mỗi nơi xây dựng một ngôi chùa lấy tên là Khai nguyên. Nhưng nay không có tư liệu để khảo sát xem vào năm ấy các châu, phủ trong nước có tuân lệnh hay không, mà chỉ thấy trong Cựu đường thư quyển 9 có đoạn ghi: Vào tháng 4 năm Thiên bảo thứ 3 (744), vua ban sắc lệnh cho 2 kinh đô Trường an, Lạc dương và các châu trong nước đều đúc một pho tượng Thiên tôn và một pho tượng Phật bằng kim đồng để thờ ở chùa Khai nguyên. Tuy nhiên, trong các tư liệu về lịch sử Phật giáo, như Đông chinh truyện của hòa thượng Giám chân đời Đường, Lữ hành kí của các vị tăng người Nhật bản đến tu học ở Trung quốc là Viên tải, Viên nhân, Viên trân, v.v… đều có những ghi chép liên quan đến chùa Khai nguyên. Còn theo Đại minh nhất thống chí, thì vào đời Minh vẫn còn lại 12 ngôi chùa Khai nguyên rải rác ở 12 nơi là: Ở Kí châu, phủ Chân định, tỉnh Trực lệ, ở huyện Nguyên thị, ở phủ Vĩnh bình, ở phủ Thuận đức, huyện Hàm ninh, phủ Tây an, tỉnh Thiểm tây, ở Ôn lăng, phủ Tuyền châu, tỉnh Phúc kiến, ở huyện Mân, phủ Phúc châu, ở phủ Đăng châu, tỉnh Sơn đông, ở phủ Qui đức, tỉnh Hà nam, ở huyện Ninh lăng, ở huyện Ngu thành và ở Vũ dương phủ Nam dương… nhưng không còn thịnh như xưa. Vào đời Đường, Tống từ chùa Khai nguyên ở các nơi đã xuất hiện nhiều bậc cao tăng, như các ngài Nguyên hạo, Biện tú ở chùa Khai nguyên tại Tô châu, ngài Nghĩa sở ở chùa Khai nguyên tại Tề châu, các ngài Đạo nhất, Thê ẩn ở chùa Khai nguyên tại Hồng châu, ngài Huyền án ở chùa Khai nguyên tại Ngạc châu, v.v… Trong đó, ngài Đạo nhất của chùa Khai nguyên ở Hồng châu là nổi tiếng hơn cả. Tình trạng các ngôi chùa Khai nguyên ở các nơi không giống nhau, đến các đời Nguyên, Minh tuy được trùng tu, nhưng hiện nay không còn được bao nhiêu. [X. Phật tổ thống kỉ Q.34; Thích thị kê cổ lược Q. 3; Cổ kim đồ thư tập thành chức phương điển 61, 104, 117, 200, 278, 395, 457, 507]. I. Khai Nguyên Tự. Chùa ở mạn tây nam huyện Ngô tỉnh Giang tô, Trung quốc, do nhũ mẫu của Ngô tôn quyền xây dựng vào thời Tam quốc. Mới đầu, chùa có tên là Trùng nguyên, Thông nguyên, đến đời Đường đổi tên là chùa Khai nguyên. Vào đời Tấn, có 2 pho tượng Phật và 1 bình bát bằng đá từ ngoài biển trôi vào, hiện nay còn được thờ trong chùa. Trải qua các đời, chùa này lần lượt có các vị cao đức thuộc các tông đến ở, như các ngài Ấn tông(đệ tử nối pháp của Lục tổ Tuệ năng), Kinh khê Trạm nhiên, Trường khánh Tuệ lăng, Hoàng long Sở nam, Thanh lương Trừng quán, Từ vân Tuân thức, v.v… [X. Khai nguyên tự chí; Đại minh nhất thống chí Q.8]. II. Khai Nguyên Tự. Chùa ở huyện Tấn giang, tỉnh Phúc kiến, được xây dựng vào năm Thùy củng thứ 2 (686) đời Vũ hậu của Trung quốc. Mới đầu, chùa có tên là Liên hoa, sau được đổi tên là Hưng giáo, Hưng long. Năm Khai nguyên 26 (738), vua ban sắc đổi tên là chùa Khai nguyên. Từ thời Ngũ đại đến đời Tống, hơn 100 viện phụ thuộc được xây dựng. Đời Nguyên, vua ban hiệu là Khai nguyên vạn tuế thiền viện. Khoảng năm Chính bình (1341-1398) chùa bị phá hủy. Trong những năm Hồng vũ và Vĩnh lạc, chùa dần dần được kiến thiết lại, cuối đời Minh, ông Trịnh chi long trùng tu Đại hùng bảo điện, đình Bái thánh, điện Tử vân bình, Tháp, v.v… Trong đó, có tháp Đông(tháp Trấn quốc) và tháp Tây(tháp Nhân thọ) là nổi tiếng hơn cả. Đây là những kiến trúc lịch sử của Trung quốc được thế giới biết đến. Đại hùng bảo điện cũng gọi là điện Bách trụ(điện trăm cột) được kiến trúc theo kiểu Trùng thiềm hiết sơn(có 2 lớp mái, mái dưới nhô ra, rường hơi cong), là kiến trúc đời Minh còn lại, trên đẩu cũng có chạm trổ 24 vị Phi thiên tấu nhạc, đường nét rất tinh vi. [X. Phúc kiến thông chí Q.264; Đại thanh nhất thống chí Q.328]. III. Khai nguyên Tự. Cũng gọi viện Thượng lam. Chùa ở phía đông huyện Tân kiến phủ Nam xương tỉnh Giang tây, Trung quốc. Đây là đạo tràng hoằng dương Thiền pháp nổi tiếng của đại sư Mã tổ Đạo nhất đời Đường. Vào đời Tống, chùa này được đổi tên là chùa Năng nhân, đến đời Minh đổi tên là chùa Vĩnh ninh, rồi sang đời Thanh chùa lại được đổi tên là chùa Hựu thanh. [X. Đại minh nhất thống chí Q.49; Đại thanh nhất thống chí Q.239; Giang tây thông chí Q.111]. IV. Khai Nguyên Tự. Chùa ở phía đông phủ Tây an tỉnh Thiểm tây, Trung quốc, được sáng lập vào khoảng năm Khai nguyên đời vua Huyền tông nhà Đường. Trong số các chùa Khai nguyên do vua Huyền tông ban sắc xây dựng trên khắp nước, thì chùa này có qui mô lớn nhất, nhưng trải qua nhiều đời không được tu bổ nên cảnh chùa bị tàn phá, không còn như xưa. V. Khai Nguyên Tự. Chùa ở phía nam huyện Thương khưu, tỉnh Hà nam, Trung quốc, được xây dựng vào đời Đường. Đời Tống, chùa được đổi tên là Bảo dung, Hưng long. Trong chùa có một cột đá khắc hàng chữ Bát quan trai hội báo đức kí do nhà thư pháp Nhan chân khanh viết vào đời Đường. VI. Khai Nguyên Tự. Chùa ở huyện Ngu thành, tỉnh Hà nam, Trung quốc, được kiến thiết vào năm Thiệu thánh thứ 3 (1096) đời Tống. VII. Khai Nguyên Tự. Chùa ở phủ Triều châu, tỉnh Quảng đông, Trung quốc, được sáng lập vào năm Khai nguyên 26 (738) đời Đường. Là một tùng lâm lớn ở miền Đông nam, đời Nguyên gọi là Khai nguyên vạn thọ thiền tự; từ đời Minh về sau gọi là Khai nguyên trấn quốc thiền tự. Chùa có kiểu kiến trúc thanh nhã, cổ kính, việc lễ bái rất thịnh. VIII. Khai Nguyên Tự. Chùa ở huyện Đại đồng, tỉnh Sơn tây, Trung quốc. (xt. Thiện Hóa Tự).