khai hiển

Phật Quang Đại Từ Điển

(開顯) Khai là khai trừ, tức phá trừ chấp trước; Hiển là hiển bày nghĩa chân thực. Đây là từ ngữ phán giáo kinh Pháp hoa của tông Thiên thai. Về tư tưởng khai hiển của kinh Pháp hoa, trong các tác phẩm của các luận sư Ấn độ, như luận Đại trí độ, luận Pháp hoa, v.v… chưa thấy được đề cập đến, còn ở Trung quốc thì đầu tiên có ngài Trúc pháp khoáng đời Đông Tấn đề xướng ý chỉ Hội Tam Qui Nhất, rồi đến các ngài Cưu ma la thập, Cát tạng, Tăng triệu, Pháp vân, v.v… tiếp tục phát huy ý chỉ này. Sau hết, Đại sư Trí khải tông Thiên thai lập thêm nghĩa phương tiện tức chân thực mà hoàn chỉnh hệ thống tư tưởng Khai hiển của kinh Pháp hoa. Tông Thiên thai chủ trương tất cả giáo pháp đức Phật tuyên giảng trước thời Pháp hoa đều chưa phải là giáo pháp chân thực (chưa khai hiển), đến thời kinh Pháp hoa đức Phật mới hiển bày giáo pháp chân thực. Tông này cũng căn cứ vào giáo pháp và Phật thân mà lập thành các nghĩa: Khai quyền hiển thực, Khai tam hiển nhất, Khai tích hiển bản, Khai cận hiển viễn, v.v… Ngoài ra, theo Pháp hoa kinh Huyền nghĩa, thì kinh Pháp hoa có khai hiển Bản môn và khai hiển Tích môn như sau. 1. Khai hiển tích môn: Nói theo giáo pháp, thì 14 phẩm trước của kinh Pháp hoa là Khai quyền hiển thực, Khai tam hiển nhất. Vì có người không biết rằng giáo pháp trước kinh Pháp hoa chỉ là phương tiện tạm thời dắt dẫn đến chỗ chân thực nên chấp trước vào giáo pháp của Tam thừa. Muốn phá trừ sự chấp trước này, đức Phật nói rõ Tam thừa chỉ là phương tiện, Nhất thừa mới là chân thực, đồng thời thuyết minh phương tiện tức chân thực mà hiển bày lí Tam thừa đều qui về Nhất thừa. 2. Khai hiển bản môn: Nói theo thân Phật của đức Thích ca mâu ni, thì 14 phẩm sau của kinh Pháp hoa là Khai tích hiển bản, Khai cận hiển viễn. Nghĩa là phá trừ sự chấp trước cho rằng đức Phật mới thành đạo dưới gốc cây Bồ đề ở Phật đà già da(Bồ đề đạo tràng) để hiển bày lí đức Phật đã thành đạo từ kiếp sâu xa. [X. phẩm Phương tiện kinh Pháp hoa Q.1, phẩm pháp sư kinh Pháp hoa Q.4. phẩm Như lai thọ lượng kinh Pháp hoa Q.5; bài tựa trong Pháp hoa kinh huyền nghĩa Q.1 phần trên; Pháp hoa kinh huyền nghĩa Q.9 phần cuối; Pháp hoa huyền nghĩa thích tiêm Q.1; Pháp hoa nghĩa kí Q.1, Q.2, Q.3, Q.8; Pháp hoa huyền luận Q.2, Q.4, Q.5]. (xt. Bản Tích Nhị Môn, Khai Phế Hội).