khai đường

Phật Quang Đại Từ Điển

(開堂) Tiếng dùng trong Thiền lâm. Nguyên là nghi thức trong việc dịch kinh đời xưa. Hàng năm, đến ngày Thánh đản (sinh nhật của vua), viện Dịch kinh thường phải dâng một bộ kinh mới dịch lên để chúc thọ vua. Hai tháng trước đó, các quan nhóm họp để xem xét việc dịch kinh. Rồi trước ngày Thánh đản 1 tháng, các vị Dịch kinh sứ và quan nhuận văn lại nhóm họp để dâng bộ kinh ấy lên vua, gọi là Khai đường. Về sau, buổi tuyên thuyết đại pháp của vị Tân trụ trì trong lễ nhập tự cũng được gọi là Khai đường, đây là nghi thức quan trọng trong Thiền lâm. Trong lễ nhập tự, cũng có nghi thức cầu nguyện quốc thái dân an, Thánh hoàng muôn tuổi, cho nên cũng được gọi là Khai đường chúc thọ, Khai đường chúc thánh, Chúc quốc khai đường. Về nghi thức Khai đường thì trước hết cung thỉnh một vị tăng đức độ cao vời, kiến thức sâu rộng, giữ chức Bạch chùy sư, an tọa tại phía đông pháp tòa để giám sát việc khai đường. Các quan viên thì ngồi đối diện với pháp tòa. Kế đến nghinh thỉnh vị Trụ trì, sau khi trình công văn(những giấy tờ về việc bổ nhiệm Trụ trì) và tuyên nói pháp ngữ, vị Duy na đọc các lá sớ. Sau đó, vị Trụ trì đưa tay chỉ về phía pháp tòa, tuyên thuyết pháp ngữ, rồi thăng tòa niệm hương chúc mừng Thánh thọ. Khi Đế sư và các quan lần lượt niệm hương xong, Bạch chùy sư gõ một tiếng kiền chùy(cái kiểng) rồi nói (Vạn tục 113, 118 hạ): Chúng long tượng trong pháp hội, nên quán xét Đệ nhất nghĩa. Tiếp theo, vị Trụ trì nêu lên cương yếu của tông môn, cảm tạ các quan, chư sơn Thiền đức, Bạch chùy sư lại gõ chùy xướng rằng: Quán xét kĩ pháp của Pháp vương, pháp của Pháp vương là như thế. Sau cùng, vị Trụ trì dộng tích trượng xuống đất một tiếng, rồi bắt đầu vấn thoại (hỏi đáp giảng giải). Vấn đáp xong, kết thúc nghi thức Khai đường. Ngoài ra, Khai đường Hòa thượng là một vị Chấp sự quan trọng trong đàn truyền giới ở Trung quốc. Về các pháp tắc thụ giới, về các nghi lễ và qui củ sinh hoạt của giới tử, v.v… đều do Khai đường hòa thượng chỉ dạy. [X. Tổ đình sự uyển Q.8; điều Nhập viện khai đường chúc thọ, chương Trụ trì trong Bách trượng thanh qui Q. thượng; môn Tùng quĩ trong Thiền lâm tượng khí tiên].