khải châu

Phật Quang Đại Từ Điển

(凱珠) (1385-1438) Tạng: Mkhas-grub. Dịch Hán: Hiền thiện thành tựu. Gọi đủ: Mkhas-grub Dge-legs dpalbzaí-po. Dịch âm: Khải châu ca lỗ ba tang bảo, Khai lỗ khắc vương kiệt. Cũng gọi:Mkhas-rab. Thiện xảo. Cao tăng Tây tạng, vị Ban thiền lạt ma đời thứ nhất, người nước Vu điền, một trong2 vị đệ tử lớn của ngài Tông khách ba, cũng là trưởng tử của ngài Côn ca tháp tây (Tạng: Kun-dga# bkra zis) thuộc hệ thống Mật chú. Sư thông minh từ thủa nhỏ, lần lượt học tập tại các chùa Gia mẫu lâm (Tạng: Íam-rin), Tát ca (Phạm: Sa-skya). Năm 17 tuổi, sư thụ giới Sa di; năm 23 tuổi, sư theo vị tăng thuộc phái Tát ca là ngài Nhân đạt oa (Tạng: Reímda#-ba) thụ giới Cụ túc, học Trung quán, Lượng luận, Giới luật, Câu xá, Bát nhã, các giáo thuyết về tính tướng, yếu nghĩa của 4 bộ Đát đặc la và Chân ngôn. Sau, sư lại theo các ngài Đạt nhĩ ma nhân khâm (Tạng: Dar ma rinchen), Lạp cách ba (Tạng:Grags-pa rgyalmtshan), Chiêm khách nhĩ ba và Chiêm mẫu an ca chu âu (Tạng: #jam dbyaís rgya-mtsho), v.v… học giáo pháp Hiển mật. Năm Vĩnh lạc thứ 6 (1408) sư thờ ngài Tông khách ba làm thầy. Trong 10 tháng hầu thầy, hàng ngày sư nghe ngài Tông khách ba giảng về Câu xá, Lượng luận, Bí mật tập, Thời luân, Đát đặc la và Hiển giáo, Mật giáo… Sư rất nổi tiếng về học vấn và đức hạnh, đặc biệt có tài biện luận, nhiều lần tổ chức các cuộc tranh luận, tận lực dẹp bỏ các mối dị đoan trong và ngoài Hoàng giáo. Sư từng biên soạn giáo thuyết khó hiểu của ngài Tông khách ba thành sách cương yếu; sư cũng xây dựng nhiều chùa viện Hoàng giáo. Các hóa thân Lạt ma dưới hệ thống của sư đến đời sau đều gọi là Ban thiền Lạt ma. Năm 47 tuổi, sư thừa kế ngài Căn đôn châu ba làm Tọa chủ đời thứ 2 của chùa Cam đan (Tạng: Dga#-ldan khri-pa), đến năm 1438 sư thị tịch, thọ 54 tuổi. Đệ tử đắc pháp của sư gồm có: Tuệ pháp hộ, Hà lô thiện chàng, Kham cần phúc thắng thành, Biến trí thắng quang, Cụ pháp thiện hiện, Bạt thoa pháp chàng, Bảo hải tuệ, Cẩn nga tuệ chàng, Sát khuếch ngõa pháp xứng, Nghĩa thành đường, Dạng nhung ngõa pháp tự tại xưng, Pháp hộ, v.v… Về các tác phẩm của sư thì có: Tông khách ba đại sư truyện, Hiện quán trang nghiêm luận chú sớ, Thích lượng luận đại sớ, luận Hiển thị thậm thâm không chân thực nghĩa, luận Tam tịnh nghĩa kiến lập, v.v… Ngoài ra, còn có Truyện kí, Thư giản, Thính văn lục, Nguyện văn, Lễ tán… tất cả hơn 60 bộ loại. [X. Tây tạng soạn thuật Phật điển mục lục; Tây tạng Phật giáo nghiên cứu].