khắc tư nhĩ thiên phật động

Phật Quang Đại Từ Điển

(克孜爾千佛洞) Quần thể động đá ở sườn núi trên bờ bắc sông Mộc trát, phía đông nam trấn Khắc tư nhĩ, huyện Bái thành, tỉnh Tân cương, Trung quốc. Quần thể hang động này được đục mở vào thời Nam Bắc triều đến cuối đời Đường (khoảng thế kỉ IV đến thế kỉ IX), có tất cả 236 hang động, địa thế quanh co, chạy dài tới 2 cây số, qui mô to lớn, chỉ đứng sau động Đôn hoàng mà thôi. Bái thành là đất cũ của nước Cưu tư đời xưa, vì thế quần thể hang động này cũng được gọi là Cưu tư thiên Phật động (Động Nghìn Phật ở nước Cưu tư). Những hang động chủ yếu gồm có hang lễ bái, giảng đường tăng đường. Nội dung đề tài điêu khắc thuộc nghệ thuật Phật giáo Tiểu thừa, sùng bái Phật Thích ca mâu ni và Phật Di lặc, phong cách ít nhiều chịu ảnh hưởng nghệ thuật hang động Ba mễ dương; thời kì cuối thì chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Phật giáo Đại thừa, đồng thời, hấp thu thành phần nghệ thuật hang động Đôn hoàng mà xuất hiện đề tài Thiên Phật (Nghìn Phật), Nhất Phật nhị Bồ tát(tượng Tam tôn), v.v… Về bố cục của quần thể hang động này, ở giữa tạc một cột đá hình vuông, chia hang động làm hai gian trước sau, trên mặt vách 2 bên gian trước vẽ hình đức Phật thuyết pháp, vách chính đắp khám Phật ngồi hoặc tượng Phật đứng, trên nóc động thì vẽ sự tích bản sinh của đức Phật, gian sau vẽ hoặc đắp tượng Phật nhập Niết bàn hoặc những tích truyện về đức Phật và tượng những người cúng dường. Thời gần đây, quần thể hang động này đã bị cướp phá rất nhiều và phần lớn các pho tượng, bích họa được đưa ra nước ngoài, những vách hang bị đập phá, không một bức ào còn nguyên vẹn, thật là một tai nạn lớn đối với nghệ thuật khắc đá.