khắc chu nhân

Phật Quang Đại Từ Điển

(刻舟人) Tiếng dùng trong Thiền lâm. Người khắc thuyền, từ ngữ này có xuất xứ từ câu chuyện Khắc chu cầu kiếm (Khắc thuyền tìm gươm) trong thiên Sát Kim của Lã thị xuân thu: Có người đi thuyền vô ý đánh rơi thanh gươm xuống sông, anh ta vội khắc lên man thuyền để đánh dấu chỗ gươm rơi. Khi thuyền cập bến, đậu lại, anh ta liền theo dấu ấy lặn xuống tìm gươm, mà không biết rằng thuyền đã đi đến nơi khác rồi và gươm không thể đi theo thuyền. Kết quả uổng công vô ích, còn bị người đời chê cười là ngu ngốc. Thiền tông dùng từ ngữ này để chỉ cho người học mê vọng, chấp trước, đối với cơ pháp của thầy không biết dung thông tự tại. [X. Hoè an quốc ngữ Q.5].