Kết Tập

Từ Điển Đạo Uyển

結集; S, P: saṅgīti;
Có bốn lần kết tập trong lịch sử phát triển đạo Phật. Lần kết tập thứ nhất được tổ chức tại Vương xá (s: rājagṛha) ngay sau khi Phật diệt độ. Lần kết tập thứ hai được tổ chức tại Vệ-xá-li (s: vaiśālī), khoảng 100 năm sau Vương xá, tức là khoảng năm 386 trước Công nguyên. Lần thứ ba được tổ chức tại Hoa Thị thành (s: pāṭaliputra), ngày nay là Pat-na, trong thế kỉ thứ hai sau ngày Phật nhập Niết-bàn. Lần kết tập này không được Thượng toạ bộ (p: theravāda) công nhận. Thượng toạ bộ theo truyền thống riêng và xem lần kết tập thứ ba này được thực hiện qua trường phái Pāli trong thời gian A-dục vương (s: aśoka) trị vì. Lần kết tập thứ tư được tổ chức tại Kashmir, ý kiến về lần này cũng khác nhau. Có người cho rằng đó là lần kết tập toàn thể do vua Ca-nị-sắc-ca (s: ka-niṣka) tổ chức, có người cho rằng đó chỉ là kết tập của phái Nhất thiết hữu (s: sarvās-tivāda).
Mục đích các lần kết tập là giải quyết các ý kiến, quan niệm bất đồng trong tăng hội, thuyết minh các vấn đề và xác lập các kinh sách cơ bản.
Kết tập lần thứ nhất: Lần kết tập này được tường thuật trong Luật tạng (s, p: vinaya-piṭaka). Ðại hội này do Ma-ha Ca-diếp (s: mahākāśyapa) triệu tập, là người nhận thấy sau khi Phật diệt độ có nhiều khuynh hướng thoái hoá trong Tăng-già. Có 500 Tỉ-khâu – tất cả đều là A-la-hán – tham dự đại hội, khoảng năm 408 trước Công nguyên. Hội này được tổ chức tại Vương xá. Ca-diếp yêu cầu Ưu-ba-li (s, p: upāli) trình bày về giới luật và A-nan-đà (ānanda) về giáo pháp. Dựa trên trình bày của hai vị đó mà Luật tạng và Kinh tạng thành hình. Sau đó, các bản kinh được đại hội nhất trí được tụng đọc.
Tương truyền trong lần kết tập này, A-nan-đà bị Ca-diếp phê bình nặng nề vì lúc bắt đầu đại hội, Tôn giả vẫn chưa đạt quả A-la-hán và chính trong thời gian đó (đêm trước buổi kết tập), A-nan-đà đạt thánh quả này. Trong đại hội, A-nan-đà cũng bị chê trách là “quên” hỏi Phật một cách chính xác vài chuyện trước khi Ngài nhập Niết-bàn. Một điểm khác mà A-nan-đà cũng bị chê trách là thái độ đồng tình khi Phật cho phép lập ni đoàn. Tuy nhiên, A-nan-đà bị chê trách nhất là đã không xin Phật trì hoãn việc nhập Niết-bàn. Ngày nay nhiều học giả phân vân không biết kết tập lần thứ nhất đúng như đã lưu truyền hay không, nhưng nhiều người đều nhất trí việc thống nhất kinh bản đã xảy ra rất sớm.
Kết tập lần thứ hai: lần này được tài liệu ghi rõ hơn lần thứ nhất nhiều và xem như một sự thật lịch sử. Lí do kết tập trong khoảng năm 386 trước Công nguyên là vì những khác biệt về giới luật. Lần đó, các tỉ-khâu ở Vệ-xá-li đã đi ngược giới luật, nhận vàng bạc cúng dường của Phật tử. Ðồng thời, một đệ tử của A-nan-đà là Da-xá (s: yaśa) chê trách các vị này phạm giới luật như ăn không đúng thời, rượu chè… Da-xá vì vậy mà bị trục xuất khỏi Tăng-già. Vị này cầu cứu các vị tăng khác. Cuối cùng một đại hội với 700 tỉ-khâu được triệu tập, bầu một hội đồng gồm mỗi vùng Ðông Tây bốn vị, lên án các vị tăng phạm luật ở Vệ-xá-li. Các vị tăng này cũng nhận lỗi. Biên bản đại hội này đã được ghi lại trong Luật tạng, bằng văn hệ Pā-li cũng như Phạn ngữ (sanskrit). Về sau, một số vị trưởng lão theo truyền thống Tích Lan cho rằng lần kết tập này đã dẫn đến sự chia rẽ giữa Trưởng lão bộ (s: sthavira) và Ðại chúng bộ (s: mahāsāṅghika). Các vị này cho rằng các tăng sĩ Vệ-xá-li đã thực hiện một kết tập khác để thành lập Ðại chúng bộ.
Kết tập lần thứ ba: Trong Luật tạng không có tài liệu về lần kết tập này. Các biên bản về lần kết tập này khác nhau nhiều, nhưng phần lớn nguồn tài liệu cho rằng, lí do lần kết tập này là bàn bạc về tính chất một A-la-hán. Một tỉ-khâu tại Hoa Thị thành (s: pāṭaliputra) tên là Ðại Thiên (s, p: mahādeva) nêu lên năm điểm: 1. Dư sở dụ: A-la-hán còn có thể bị tham Ái chi phối bởi vì còn nhục thân, vấn đề sinh lí chưa đoạn nên khi thuỵ miên còn có thể lậu hoặc; 2. Vô tri: A-la-hán chưa hoàn toàn thoát khỏi Vô minh; 3. Do dự: A-la-hán chưa đoạn diệt nghi ngờ; 4. Tha linh nhập: A-la-hán còn cần trợ lực bên ngoài mới biết mình đạt Bồ-đề; 5. Ðạo nhân thanh cố khởi (Ðạo nương vào âm thanh mà sinh): A-la-hán cần những thanh âm đặc biệt để đạt Ðịnh, và ngộ chân lí.
Năm thuyết này của Ðại Thiên đã chia Tăng-già ra làm hai phái. Lần kết tập này có mục đích giảng hoà hai bên, nhưng cuối cùng chỉ còn xác nhận sự phân cực đó. Nhóm tăng sĩ ủng hộ lập trường của Ðại Thiên thuộc đa số và tự nhận mình là “Ðại chúng bộ”, trong lúc đó nhóm trưởng lão, đạo cao đức trọng, tự xác nhận mình là “Trưởng lão” (s: sthavira; p: theravāda). Trường phái Pā-li của Tích Lan (śrī laṅkā) không thừa nhận lần kết tập thứ ba này. Ðối với họ, kết tập lần thứ ba là đại hội của trường phái Pā-li tại Hoa Thị thành dưới thời vua A-dục, khoảng năm 244 trước Công nguyên. Nguyên nhân kết tập lần này lại cũng là sự tranh cãi ai là tu sĩ Phật giáo “đích thật”, ai chỉ là mạo danh để hưởng quyền lợi của Tăng-già. Theo lệnh của vua A-dục, một vị cao tăng tên Mục-kiền-liên Tử-đế-tu (p: moggaliputta tissa) triệu tập đại hội và mỗi vị tỉ-khâu đều được “phỏng vấn”. Vị nào không đạt yêu cầu, đáp ứng mâu thuẫn với những quan niệm chính mình, đều bị trục xuất ra khỏi Tăng-già. Trong tác phẩm Luận sử (p: kathāvatthu), Mục-kiền-liên Tử-đế-tu phản đối những quan niệm Sư cho là ngoại đạo, không thể dung hoà được lần này. Trong lần kết tập này, toàn bộ kinh sách đều được sử dụng và lần này trở thành cơ sở thành lập của Thượng toạ bộ (p: theravāda).
Kết tập lần thứ tư: Có lẽ cũng chỉ là một đại hội của Nhất thiết hữu bộ (s: sarvāstivāda) chứ không phải của toàn thể giáo hội. Lần này đại hội được triệu tập dưới thời vua Ca-nị-sắc-ca, nhằm mục đích luận giảng lại A-tì-đạt-ma (s: abhidharma), trong đó người ta thấy những quan điểm phóng khoáng hơn. Theo nhiều tư liệu thì lần này có khoảng 500 vị A-la-hán và nhiều Bồ Tát tham dự. Trong đại hội này, Thế Hữu (s: vasumitra) đóng một vai trò quan trọng với một tác phẩm mang tên Dị bộ tông luân luận (s: samayabheda-vyūhacakra-śāstra) nói về các bộ phái thời kì này. Về sau Nhất thiết hữu bộ có ảnh hưởng lớn nên lần kết tập này cũng được sự thừa nhận chung.