kết sinh

Phật Quang Đại Từ Điển

(結生) Phạm: Pratisaôdhi. Chỉ cho thân Trung hữu gá sinh vào thai mẹ. Luận Câu xá quyển 9 (Đại 29, 46 hạ), nói: Thân trung hữu muốn đến chỗ thụ sinh, trước hết là khởi tâm điên đảo rồi hướng tới chỗ nào có hành dâm, nhờ nghiệp lực mà khởi nhãn căn, tuy ở một nơi nào đó thật xa, nhưng thân trung hữu cũng thấy được chỗ cha mẹ đang giao hội mà khởi tâm điên đảo. Nếu là thân trung hữu nam thì duyên theo mẹ mà khởi tâm dâm dục của người nam; nếu là thân trung hữu nữ thì duyên theo cha mà khởi tâm dâm dục của người nữ. Nếu trái với duyên này thì cả hai đều khởi lên tâm tức giận. (…) Do khởi hai tâm điên đảo ấy nên thân trung hữu cho rằng thân mình hợp với người mình yêu thích, khi chất dơ bẩn đáng ghét lọt vào thai thì cho là đã có, nên sinh tâm vui mừng, từ đấy thân ngũ uẩn thành hình, thân trung hữu liền mất, thân sinh hữu đã bắt đầu, gọi là đã kết sinh. Trên đây là nói về phàm phu kết sinh, vì chỉ có phàm phu mới sinh tâm điên đảo ấy, chứ Bồ tát thì không như thế. Khi Bồ tát vào thai mẹ, tâm không điên đảo, đối với cha thì biết là cha, đối với mẹ thì biết là mẹ, đều yêu mến như nhau, không có tâm phân biệt sai khác. [X. luận Đại tì bà sa Q.60; luận Du già sư địa Q.1, Q.66; luận Đại thừa a tì đạt ma tạp tập Q.5; Thành duy thức luận diễn bí Q.3 phần cuối]. (xt. Trung Hữu).