KẾT QUẢ: Đề Thi Trắc Nghiệm Giáo Lý
KỶ NIỆM 10 NĂM THÀNH LẬP TRANG TẠNG THƯ PHẬT HỌC

 

PHẦN I: Trắc Nghiệm

1. Người phân biệt được thiện ác nhân quả, thấy rõ bốn sự thật căn bản khổ – tập – diệt – đạo, thì gọi là người: 

a. Có chánh kiến.
b. Có lòng vị tha.
c. Có chánh nghiệp.
d. Cả ba đều đúng.

2. Thứ tự nào sau đây của Thất Bồ Đề Phần là đúng?

a. Trạch pháp, tinh tấn, khinh an, niệm, định, hỷ, xả.
b. Trạch pháp, tinh tấn, khinh an, hỷ, xả, niệm, định.
c. Trạch pháp, tinh tấn, hỷ, xả, khinh an, niệm, định.
d. Trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, niệm, định, xả.

3. Trong kinh nào đã ví: “Ba cõi không an như nhà lửa cháy”?

a. Kinh Pháp Cú Ví Dụ.
b. Kinh Địa Tạng.
c. Kinh Hoa Nghiêm.
d. Kinh Pháp Hoa.

4. Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm liệt kê mạn có mấy thứ?

a. Hai thứ: Tăng thượng mạn, Ngã mạn.
b. Bốn thứ: Mạn quá mạn, Tà mạn, Tăng thượng mạn, Ngã mạn.
c. Bảy thứ: Mạn, Ngã mạn, Quá mạn,  Mạn quá mạn, Tăng thượng mạn, Ty liệt mạn và Tà mạn.
d. Cả ba đều đúng.

5. Mình thua người nhiều mà cho là hơn thì thuộc về: 

a. Tà mạn.
b. Ngã mạn.
c. Quá mạn.
d.  Mạn quá mạn.

6. Bốn bậc tu chứng của Gia hạnh vị là gì? Kể ra?

a. Tư đà hàm, A na hàm, Tu đà hoàn, A la hán.
b. Noãn vị, đảnh vị, nhẫn vị, thế đệ nhất vị.
c. Kiến đạo sở đoạn hoặc, tu đạo sở đoạn hoặc, phá ác vô sanh.
d. Cả 3 câu trên đều sai.

7. Năm món dục (ngũ dục) gồm những gi?

a. Sắc, tài, danh, lợi, thùy.
b. Tài, sắc, danh, ẩm, thực
c. Tài, sắc, si mê, danh, lợi
d. Sắc, tài, danh, thực, thùy

8. Năng lực nào dẫn chúng sanh vào đường luân hồi?

a. Nhân quả.
b. Nghiệp.  
c. Ý ác.
d. Cả 3 đều đúng.

9. Tứ Nhiếp Pháp là những Pháp nào?

a. Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn.
b. Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự.
c. Bố thí, vọng ngữ, lợi hành, đồng sự.
d. Cả 3 câu trên đều đúng.

10. Hoa Sen cõi Tịnh Độ, có mấy phẩm?

a. 7 phẩm
b. 8 phẩm
c. 9 phẩm                                
c. 10 phẩm

11. Lúc lâm chung, Nghiệp gì đóng vai trò quan trọng nhất?

a. Tích lũy Nghiệp
b. Cận tử Nghiệp  
c. Cực trọng Nghiệp
d. Vô ký Nghiệp

12. Biên kiến bao gồm?

a. Chấp vào ngẫu nhiên.
b. Chấp vào định mệnh.
c. Chấp vào tự nhiên.
d. Thường kiến và đoạn kiến.

13. Thánh quả chưa chứng mà cho là đã chứng thuộc về:

a. Ngã mạn.
b. Tăng thượng mạn.
c. Tà mạn.
d. Mạn quá mạn.

14. Kinh Hoa Nghiêm, đức Phật dạy quên mất tâm Bồ Đề mà tu thiện pháp thì gọi là hành động theo: 

a. Thanh văn.
b. Bồ tát.
c. Duyên giác.
d. Tâm Ma.

 

PHẦN 2: TRẢ LỜI CÂU HỎI

15. Nghiệp là gì?

– Nghiệp là năng lực, là hành động từ những suy nghĩ rồi phát xuất ra lời nói có cố ý, cố tâm, được lặp đi lặp lại nhiều lần, lâu ngày trở thành thói quen.

16. Thiểu dục tri túc là gì? vì sao Phật dạy về “Thiểu dục tri túc”?

– Thiểu Dục là muốn ít, Tri túc là biết đủ. Vì Thiểu dục và Tri túc mà gia đình, xã hội được an vui, hòa bình, không còn ai giành giật của cải, danh vọng, miếng ngon, vật lạ của ai nữa. Có lợi ích của Thiểu dục và Tri túc thật không sao kể xiết được.

17. Nhân quả là gì?

– Nhân là nguyên nhân, Quả là kết quả. Nhân là cái mầm. Quả là cái hạt, cái trái do mầm ấy phát sinh. Nhân là năng lực phát động, Quả là sự hình thành của năng lực phát động ấy. Nhân và Quả là hai trạng thái tiếp nối nhau mà có. Nếu không có Nhân thì không có Quả; nếu không có Quả thì không có Nhân. 

18. Thế nào là luân hồi?

– Luân là bánh xe; Hồi là xoay tròn. Hình ảnh bánh xe quay tròn là một hình ảnh rất rõ ràng mà Phật đã dùng để hình dung sự xoay chuyển, lên xuống, xuất hiện của mỗi chúng sanh trong sáu cõi (lục đạo) khi đầu thai ở cõi này, khi ở cõi khác, luôn luôn tiếp nối tử sanh, sanh tử không ngừng, như bánh xe lăn.

19. Mục đích Phật dạy về bổn phận người Phật tử tại gia để làm gì?

– Phật tử, muốn được làm con Phật , muốn theo dấu chân Phật, muốn xứng đáng với danh từ Phật tử, tất phải làm tròn bổn phận của Phật tử nghĩa là nghe những lời Phật đã dạy, làm theo những việc Phật đã làm, đi theo con đường Phật đã đi, ủng hộ Tam Bảo, bảo vệ Chánh Pháp của Phật để lợi ích mọi người.

20. Nghiệp thiện của Thâncó mấy điều, kể ra?

– Có 3 điều, không sát sinh, không trộm cướp, không dâm dục (tà dâm đối với người tại gia).

21. Nghiệp thiện của miệngcó mấy điều, kể ra?

– Có 4 điều, không nói dối, không nói thêu dệt, không nói lưỡi hai chiều, không nói lời hung ác.

22. Tam đồ là gì?

– Tam đồ là Hỏa đồ, Huyết đồ và Đao đồ.

23. Vì sao gọi là thế giới Ta bà và ai là giáo chủ của cõi này?

– Vì thế giới này có đủ mọi thứ phiền não, khổ đau mà chúng sinh trong cõi này có thể (Kham) nhẫn chịu được nên gọi là Ta Bà, và đức Phật Thích Ca Mâu Ni là giáo chủ.

24. Trong Kinh Hoa Nghiêm đức Phật dạy, Phật sanh ra đời đi 7 bước có 10 ý nghĩa, kể ra.

Phật Đản Sinh đi 7 bước có 10 ý nghĩa:  1- hiện sức đại hùng đại lực đại từ bi của Bồ tát. 2- hiện xả thí thất thánh tài. 3- hiện cho Địa thần mãn nguyện. 4- hiện tướng vượt ra khỏi sinh tử. 5- hiện bước đi tối thắng của Bồ tát hơn hẳn Tam thừa. 6- thị hiện tướng Kim Cang Địa. 7- muốn ban cho chúng sanh sức lực dõng mãnh. 8- muốn tu hành thất giác chi cho được quả vị Bồ Đề. 9- muốn thị hiện Pháp chứng được không do người khác chỉ dạy. 10- hiện bậc tối thắng trong ba cõi (Dục giới, Sắc giới, Vô Sắc giới).

25. Thiện Tinh Tỳ Kheo con của ai?

– Thiện Tinh Tỳ Kheo con của thái tử Tất Đạt Đa

26. Phật dạy “Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh” được dạy trong bộ Kinh nào?

– Kinh Đại Bát Niết Bàn

27. Vì sao cõi nước của Phật A Di Đà được gọi là Cực Lạc?

– Vì chúng sinh ở đó không có những điều khổ, chỉ hưởng toàn là sự an lạc ngay cả tiếng khổ cũng không, cũng không có 3 đường ác nên gọi là Cực Lạc.

 

PHẦN III: Đề Luận

Đề luận: Có phải giới trộm cướp là không được lấy tài sản quý giá của người khác? Tại sao Đức Phật khuyên chúng ta không trộm cướp?

Không đúng! Trộm cướp là lấy những tài vật thuộc quyền sở hữu của người, mà không có sự ưng thuận, hay cưỡng ép người ta ưng thuận bằng vũ lực hay quyền hành. Những vật quý giá như nhà cửa, ruộng vườn, tiền bạc, ngọc ngà… cho đến vật hèn mọn như lá trầu, trái ớt… người ta không cho mà mình tự lấy đều là trộm cướp. Đức Phật dạy chúng ta không được trộm cướp có 4 nguyên do chính:

1- Tôn trọng sự công bằng: Quyền sở hữu cá nhân của ta, ta biết tôn trọng, thì tại sao ta lại chà đạp lên quyền sở hữu của người? Làm như thế là trái lẽ công bằng. Một xã hội mà thiếu công bằng thì không thể tồn tại lâu dài được.

2- Tôn trọng sự bình đẳng: Mỗi người đều có Phật tánh như nhau, tại sao ta lại muốn làm khổ người khác để ta được sung sướng? Tại sao ta lại muốn hưởng những đặc ân bất chính trong khi ta cũng chỉ là một con người như bao nhiêu con người khác?

3- Nuôi dưỡng lòng từ bi: Một khi vô ý đánh mất một vật gì hay một số tiền, ta rầu rầu buồn khổ, ăn không ngon, ngủ không yên, tại sao ta lại nỡ tâm lấy của người để cho người phải khóc than, đau khổ vì ta?

4- Tránh nghiệp báo oán thù: Trong xã hội có tổ chức, tôn trọng lẽ công bằng, thì tội trộm cướp bao giờ cũng bị trừng trị. Ăn trộm là bị đưa ra tòa án tiểu hình, ăn cướp thì ra tòa án đại hình. Khi chưa bị bắt, kẻ trộm cướp phải tìm trăm phương ngàn kế để trốn tránh. sống chui rúc trong bóng tối. Khi bị bắt, người trộm cướp phải bị trói buộc, tra khảo, ngồi tù, nhốt khám. Phận mình đã đành cực thân khổ trí, lại làm cho gia đình mình, cha mẹ, vợ con cũng buồn rầu xấu hổ, và mất hết cả hy vọng ở tương lai.