kết duyên

Phật Quang Đại Từ Điển

(結緣) Đời này tu hành tuy chưa được giải thoát nhưng đó là cơ duyên để đắc quả ở kiếp sau. Ma ha chỉ quán quyển 6 phần cuối (Đại 46, 80 thượng), nói: Hòa đồng với trần tục là đầu mối của sự kết duyên. Theo tông Thiên thai, kết duyên được ứng dụng chung cho cả Tạng giáo, Thông giáo, Biệt giáo và Viên giáo. Pháp hoa huyền nghĩa quyển 6, hạ(hội bản), cho rằng nếu kết duyên với Tạng giáo thì nói pháp sinh diệt; nếu kết duyên với Thông giáo thì nói pháp vô sinh; nếu kết duyên với Biệt giáo thì tuyên thuyết Phật pháp bất sinh sinh hằng sa; nếu kết duyên với Viên giáo thì tuyên dương pháp bất sinh bất sinh nhất thực tướng. Tông Thiên thai còn căn cứ vào căn cơ lợi độn của chúng sinh mà chia kết duyên làm 2 loại: Phiếm nhĩ kết duyên và Hạ chủng kết duyên. a) Phiếm nhĩ kết duyên, có 2 loại: 1. Kết duyên với hạng chúng sinh căn cơ chậm lụt, nghiệp chướng sâu nặng, tuy nghe giáo pháp Viên đốn nhưng không giải ngộ được. 2. Kết duyên với hạng chúng sinh có căn cơ chậm lụt, nhưng nghiệp chướng nhẹ, nghe giáo pháp quyền thừa có thể ngộ giải được. b) Hạ chủng kết duyên, cũng có 2 loại: 1. Kết duyên với hạng chúng sinh căn cơ lanh lợi nhưngnghiệp chướng còn nặng nề. 2. Kết duyên với hạng chúng sinh căn cơ lanh lợi, nghiệp chướng cũng nhẹ nhàng. Hai hạng chúng sinh này nghe giáo pháp Viên đốn có thể giải ngộ được, hạt giống Phật được huân vào bản thức. Ngoài ra, bỏ tiền bạc tài vật dùng vào việc xây dựng chùa tháp, tạo tượng đúc chuông, in ấn kinh sách, v.v… cũng gọi là Kết duyên. Về sau, giới Phật giáo thường dùng từ ngữ này để chỉ cho nghĩa kết duyên lành với nhau. Còn Phật giáo Nhật bản thì dùng nhóm từ Kết duyên ngũ trùng để chỉ cho 5 loại pháp hội là: Kết duyên quán đính, Kết duyên bát giảng, Kết duyên kinh, Kết duyên cúng dường và Kết duyên thụ giới. [X. Đại nhật kinh sớ Q.4; Pháp hoa văn cú Q.2 phần cuối; Chỉ quán phụ hành truyền hoằng quyết Q.6 phần 3].