kết

Phật Quang Đại Từ Điển

(結) I. Kết. Phạm: Bandhana hoặc Saôyojana. Cũng gọi Kết sử. Trói buộc, chỉ cho phiền não. Vì phiền não trói buộc chúng sinh vào cảnh mê, khiến cho không thể thoát khỏi cái khổ sinh tử, nên gọi là Kết(trói buộc). Kết có nhiều loại: 1. Nhị Kết: Theo kinh Trung a hàm quyển 33, thì Kết có 2 loại là Khan (bỏn sẻn) và Tật(ghen ghét). 2. Tam Kết. – Kinh Tăng nhất a hàm quyển 17 nêu 3 loại kết là: Thân tà kết(cũng gọi Thân kiến kết), Giới đạo kết(cũng gọi Giới cấm thủ kiến kết) và Nghi kết. Sáu phiền não: 5 kiến và nghi cũng bao hàm 3 kết này. – Luận A tì đàm cam lộ vị và luận Câu xá quyển 31 thì gọi 3 thứ Ái, Khuể, Vô minh là Tam kết. Nếu dứt trừ 3 kết này thì đoạn được tất cả Kiến hoặc mà chứng quả Dự lưu. – Kinh Quang tán bát nhã quyển 2 thì gọi 3 thứ Tham thân, Hồ nghi và Hủy giới là Tam kết. 3. Tứ kết. – Kinh Tăng nhất a hàm quyển 20 nêu 4 loại Kết: Dục kết, Sân kết, Si kết và Lợi dưỡng kết. – Luận thành thực quyển 10, luận Đại tì bà sa quyển 2 và Đại thừa nghĩa chương quyển 5 phần đầu, nêu ra 4 loại thân kết: Tham tật thân kết, Sân khuể thân kết, Giới thủ thân kết và Tham trước thị thực thủ thân kết(cũng gọi Kiến thủ thân kết). 4. Ngũ kết. – Kinh Trung a hàm quyển 56, luận A tì đạt ma phát trí quyển 3, luận Tập dị môn túc quyển 12 và luận Câu xá quyển 21, chia Ngũ kết thành 2 loại: Ngũ hạ phần kết và Ngũ thượng phần kết. a) Ngũ hạ phần kết là 5 loại phiền não trói buộc chúng sinh trong cõi Dục, đó là: Hữu thân kiến kết, Giới cấm thủ kiến kết, Nghi kết, Dục tham kết và Sân khuể kết. b) Ngũ thượng phần kết là 5 loại phiền não trói buộc chúng sinh ở cõi Sắc và cõi Vô sắc, đó là: Sắc tham kết, Vô sắc tham kết, Điệu cử kết, Mạn kết và Vô minh kết. – Thu tóm cả 5 kết của cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc nói trên là 5 món: Tham kết, Sân kết, Mạn kết, Tật kết và Khan kết. 5. Cửu kết. Kinh Tạp a hàm quyển 18, luận A tì đạt ma phát trí quyển 3 và luận Biện trung biên quyển thượng liệt kê 9 loại phiền não là Ái, Khuể, Mạn, Vô minh, Kiến, Thủ, Nghi, Tật và Khan. Cửu kết này là do 6 phiền não căn bản(chia Ác kiến thành 3 kiến: Thân kiến, Biên kiến, Tà kiến, gọi là Kiến kết và gom chung 2 kiến: Kiến thủ kiến và Giới cấm thủ kiến, gọi là Thủ kết) rồi thêm vào Tật kết, Khan kết mà thành. Luận Đại tì bà sa quyển 50 nói rằng thể (tự tính) của 9 kết gồm có 100 loại. [X. kinh Tạp a hàm Q.32; luận Đại tì bà sa Q.46, Q.49; phẩm Tạp phiền não trong luận Thành thực Q.10; luận Đại thừa a tì đạt ma tạp tập Q.6]. (xt. Cửu Kết, Tứ Kết). II. Kết. Phạm: Nigamana. Tiếng dùng trong Nhân minh. Chi thứ 5 trong Ngũ chi tác pháp do Cổ nhân minh thành lập, tức kết luận toàn bộ luận thức, cũng tức là chi Tông(mệnh đề) được trình bày lại một lần nữa sau khi đã được khẳng định bằng luận cứ. Từ xưa, ở Ấn độ, luận lí Nhân minh đã được lưu hành một cách phổ biến. Thời bấy giờ một luận thức được tạo thành bởi 5 phần: Tông, Nhân, Dụ, Hợp và Kết. Đây gọi là Cổ nhân minh. Thí dụ: Tông: Âm thanh là vô thường Nhân: Vì là do sự tác động mà có ra. Dụ: Ví như cái bình, vân vân… Hợp: Cái bình là do sự tác động mà có ra, là vô thường; âm thanh cũng do sự tác động mà có ra, nên âm thanh cũng là vô thường. Kết: Vì thế nên biết được rằng âm thanh là vô thường. Trong 5 phần của luận thức Cổ nhân minh trên đây, ta nhận thấy chỉ có 3 phần đầu Tông, Nhân, Dụ là cần thiết mà thôi, còn 2 phần sau chẳng qua là lập lại nên không cần lắm. Vì vậy, đến thế kỉ VI Tây lịch, ngài Trần na mới bỏ 2 phần ấy của Cổ nhân minh ra và sửa đổi lại phần Nhân, Dụ mà biến thành Tân nhân minh. Bây giờ ta đem một luận thức của Tân nhân minh so sánh với luận thức trên để thấy sự khác nhau giữa Tân và Cổ: Tông: Âm thanh là vô thường. Nhân: Vì là do sự tác động mà có ra. Dụ: Những gì do sự tác động mà có ra đều là vô thường, ví như cái bình, vân vân… Ta thấy luận thức của Tân nhân minh chỉ còn có 3 phần, so với luận thức 5 phần của Cổ nhân minh, tuy là giản lược và vắn tắt hơn, nhưng lại rõ ràng và chính xác hơn nhiều. Đó là một đặc sắc lớn của Tân nhân minh. (xt. Ngũ Chi Tác Pháp).