Ka-Pa-La-Pa

Từ Điển Đạo Uyển

S: kapālapa hoặc kapa; “Người đeo sọ người”;
Một trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, có lẽ sống trong thế kỉ thứ 8, 9.
Ông là người làm thuê tại Rā-ja-pu-rī, có vợ năm con. Ngày nọ, vợ ông chẳng may chết sớm. Ông vừa mang vợ ra chỗ thiêu xác thì nghe tin năm đứa con mình cũng chết luôn. Ông trở về mang xác con để bên cạnh vợ, ngồi khóc thảm thiết. Ðúng lúc đó thì Ðạo sư Kan-ha-pa (s: kāṇhapa hoặc kṛṣṇācārya) đi ngang. Kan-ha-pa giảng cho ông đời sống vô thường và khuyên ông tu tập một Nghi quỹ (s: sādhana). Ka-pa-la-pa thú nhận ông bị sự sợ hãi cái chết xâm chiếm, xin Kan-ha-pa dạy cho phép đối trị cái sợ này. Kan-ha-pa cho phép ông vào Man-đa-la của Hô kim cương tan-tra và dạy phép thiền định. Vị này còn đưa cho ông sáu miếng xương đẽo từ tay chân của con ông, sọ người vợ được biến thành bình bát. Ông quán tưởng, xem sọ là tác nhân và tính Không là quả. Sau chín năm thiền định, ông đạt được sự giao phối của hai thứ thiền định đó và đọc bài kệ:
Ta, người mang sọ người,
đã chứng thật Tự tính,
mọi sự và sọ người.
Không còn ngần ngại nữa,
mọi hoạt động của ta.
Sau khi chứng ngộ, ông sống thêm 500 năm nữa để giáo hoá. Bài ca tán Chân như của ông như sau:
Thể tính phi nhị nguyên,
nguồn gốc mọi hiện tượng,
cũng là xương và sọ,
cũng là Ngã giả dối.
Tất cả những điều đó,
chẳng phải tìm mà ra.