HUYỀN THOẠI LONG CUNG
Hồi ký Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Mưa đêm rả rích. Gió thốc vào từng cơn qua khe cửa. Tiếng mưa rơi, tiếng lá, tiếng gió rít, hòa quyện vào nhau càng khiến người ta cảm nhận sâu sắc cái hạnh phúc được trú ẩn yên ổn trong nhà. Mưa ở rừng khác hẳn phố thị, ngoài tiếng xào xạc của lá cành, đêm vẫn mang bầu không khí trầm buồn, tịch mịch. Cô Vy và mợ Nga nằm cuộn tròn trong chăn, trên nền gạch tàu, trong cái cốc chật hẹp của tôi.

Cô Vy lên tiếng:

– Không khí ở chùa nó làm sao ấy nhỉ! Tôi thấy mình lâng lâng như say vậy!

Mợ Nga nói với vẻ tiếc nuối :

– Chị Vy này! Sao thời mình ít thấy người tu? Hồi xưa mà được gần chùa như thế này chắc tôi đi tu quách!

– Đồng ý! Mình mà thí phát hết, giờ đâu phải lận đận nhiêu khê vì gia đình!?

Nghe hai bà phật tử già phát biểu, tôi cảm thấy thương họ làm sao. Họ đều là mẹ hiền vợ đảm, cả đời chỉ biết hi sinh cho chồng con, bận bịu tất bật.

Cô Vy lại lên tiếng:

– Đêm mưa mà kể chuyện thì thật tuyệt! Kể chuyện nghe đi chị Nga.

Tôi cũng hùa vào:

– Mợ kể đi mợ!

Mợ Nga mỉm cười:

– Thế… tôi kể chuyện bác Cả của tôi nhé!

“Chuyện xảy ra ở miền Bắc.

Bác Cả tôi là nghệ nhân chuyên may đồ cho cung đình, ông nổi tiếng may đẹp và rất khéo tay.

Một chiều nọ ông đi hóng mát dọc theo bờ sông. Trời mùa xuân nước sông trong vắt. Bác Cả đăm chiêu nhìn con nước trôi lững lờ. Bỗng bác thấy ngay chỗ mình đứng có những bậc tam cấp nối từ bờ xuống tới đáy sông. Tò mò, bác vén quần, bước xuống xem thử.

Lạ thay, khi bác vừa đặt chân xuống bậc thang, nước sông bỗng vẹt ra hai bên như mở lối cho bác đi. Thế là bác cứ đi, đi mãi cho đến lúc mình đứng trước một hoàng cung tráng lệ.

Người trong cung rất ít nói. Bác được dẫn vào một nơi chứa toàn vải vóc lụa là, và được nhờ may đồ cho họ.

Thế là bác cặm cụi may, ngày ngày người ta mang thức ăn vào cho bác, cũng chẳng trò chuyện gì, bác cũng chẳng dám hỏi gì.

Đến khi may xong đồ, một người trong cung bảo bác há miệng ra, họ điểm vào miệng bác và dặn:

Trở về, ông không được tiết lộ bất cứ chuyện gì ở đây. Nói ra là hộc máu chết liền!

Bác về lại trần gian. Gia đình nhìn thấy bác, mừng muốn phát cuồng. Họ bảo bác mất tích đã ba tháng nay, tìm kiếm đủ cách mà không thấy tăm hơi. Không ngờ giờ được gặp lại. Ai nấy xúm nhau hỏi bác hổm rày đi đâu, ở đâu? Làm gì?….

Tất nhiên là bác Cả không dám nói sự thật, vì lời đe dọa ám ảnh.

Song ngày ngày, người thân cứ hỏi mãi. Còn bác thì tấm tức. Thỉnh thoảng bác mò ra chỗ mình đã đi xuống long cung. Nước sông phẳng lặng, trong veo, nhưng không còn thấy bậc thang nữa.

Buồn bã, bác quay trở về. Lòng tự biết rõ ràng không phải mình nằm mơ. Nhưng… những chuyện bác trải qua quá lạ kỳ, e rằng chỉ có mình bác gặp phải. Nói ra thì sợ, mà không kể thì ức lắm!

Tâm tư bác cứ dằng co mãi, cuối cùng bác quyết định kể hết, có chết cũng mặc! Chứ cái chuyện lạ có một không hai như vậy mà phải giấu thì thật là tức anh ách!

Thế là bác kể lại toàn bộ sự việc cho người nhà nghe. Kể xong, bác hộc máu, chết ngay”.

Mợ Nga chấm dứt câu chuyện. Tôi hỏi một thôi một hồi:

– Người Long cung mặt mũi ra sao? Tại sao họ không may đồ mà phải nhờ người trần gian? Bác Cả may đồ bao lâu?… v.v… và v.v…

Mợ Nga mỉm cười:

– Tôi cũng thắc mắc hệt thế! Nhưng chuyện này là chú tôi kể lại, chứ bác Cả chết rồi làm sao mà giải đáp cho mình? Chuyện xa xưa quá, nhớ bao nhiêu tôi kể bấy nhiêu! Chỉ biết có vậy thôi!

Tôi thầm nghĩ: “Chuyện lạ và vô lý làm sao! Tại sao Long cung phải nhờ may đồ? Tại sao may đồ hoàng cung mà lâu thế?

Sau này, tình cờ tôi nghe phóng sự ti vi nói về quần áo cung đình. Rằng áo vua may rất lâu, rất công phu, phải thêu vàng dát ngọc. Và phải tuyển thợ tài ba may, phải mất mấy tháng mới xong.

Chuyện thật hay hư xin để người đọc tự giải. Tôi viết ra câu chuyện này không phải để mua vui hay để tung một tin đồn lạ. Điều tôi muốn nói là: Bí mật rất khó giữ!

Trong cuộc sống, khi bàn việc nước, việc nhà, người ta hay chọn người cẩn ngôn, kín miệng. VÀ ĐÔI LÚC CHÚNG TA TƯỞNG NHƯ NGƯỜI BIẾT TỰ CHỦ, GIỮ ĐƯỢC ĐIỀU BÍ MẬT, LÀ DO TRỜI SINH HỌ CÓ TÍNH NHƯ THẾ, CHỨ KHÔNG NGHĨ RẰNG TẤT CẢ ĐỨC TÍNH ẤY CÓ ĐƯỢC LÀ DO ĐÀO LUYỆN, HUÂN TẬP MÀ THÀNH.

Tự dưng tôi thấm thía cái triết học “Không biết” Ngài Tinh Vân từng dạy. Ngài khẳng định “không biết”, đôi khi được lợi rất nhiều.

Từ khi hiểu ra điều này, tôi tránh được nhiều xui xẻo cho mình. Chẳng hạn như ngày xưa, mỗi khi có ai tới bảo: “Có chuyện này em chỉ nói cho mình chị nghe thôi, đừng kể lại cho ai hết nghe”… thì hẳn là tôi sẽ khoái chí, dỏng tai lên, thu không sót lời nào. Song giờ thì tôi đáp lại: “Thôi đừng kể! Nếu là điều bí mật, thì chị hãy cất giấu nó trong lòng. Đừng nói ra! Vì lỡ chuyện bị đồn tùm lum, dù em không nói với ai cũng sẽ bị chị nghi. Em không nghe thì nhẹ tai nhẹ lòng, còn chị không nói là giữ được bí mật cho câu chuyện!”

Thiệt khoẻ, vậy là tôi khỏi phải chứa điều bí mật (vừa được photo từ người khác sang), khỏi mang tiếng “nhóm chợ” bàn chuyện thị phi…

Song nếu nghe để người nói xả bớt phiền não, dịu bớt căng thẳng, thì bắt buộc phải nghe, nhưng xong rồi thì cứ như nước đổ lá môn, không dính lại giọt nào, vừa giúp được bạn, mình vẫn nhẹ lòng.

“Huyền thoại long cung”, dù không phải là chuyện ngụ ngôn, song qua đây TA CÓ THỂ HIỂU LÀ GIỮ BÍ MẬT RẤT KHÓ, KHÓ ĐẾN NỖI DÙ BẬT MÍ LÀ CHẾT, NGƯỜI TA VẪN CHỌN NÓ. CÓ NGHĨA LÀ PHẦN ĐÔNG CON NGƯỜI KHÔNG QUEN BẢO MẬT, VÌ ĐỨC TÍNH NÀY KHÓ THỰC HIỆN, ĐÒI HỎI SỰ TỰ CHỦ CAO. SONG ĐỨC TÍNH NÀY RẤT CẦN THIẾT, RẤT HỮU ÍCH CHO VIỆC HOÀN THIỆN NHÂN CÁCH MÌNH. Dù khó, nhưng nếu ta muốn và tin là mình có khả năng bảo mật, ta sẽ làm được.