huyền giám

Phật Quang Đại Từ Điển

(玄鑒) I. Huyền Giám (?-?). Cư sĩ Phật giáo Ấn độ, sống vào giữa thế kỉ VI. Ông là một cư sĩ hết lòng cúng dường bồ tát Hộ pháp, một trong 10 vị Đại luận sư Duy thức. Sau khi ngài Hộ pháp thị tịch, ông lại là người có công lớn trong việc gìn giữ các bộ luận giải thích về Duy thức do ngài soạn. Khi ngài Huyền trang đến Ấn độ, thì được ông trao lại những bộ luận về Duy thức của ngài Hộ pháp, nhờ đó mà Duy thức học được phát triển rực rỡ trên đất nước Trung quốc. [X. Thành duy thức luận xu yếu Q.thượng phần đầu]. II. Huyền Giám (?-?). Vị Thiền tăng thuộc tông Lâm tế ở đời Nguyên, người huyện Khúc tĩnh, tỉnh Vân nam. Sư y vào ngài Vân nham Tĩnh công ở Hổ khâu xuất gia. Mới đầu tu tập giáo quán. Sau, sư theo thiền sư Cao phong Nguyên diệu học Thiền, được cử giữ chức Thủ tọa. Sau khi ngài Cao phong thị tịch, sư theo học ngài Trung phong Minh bản, khế ngộ tâm ấn, được giữ chức Đệ nhất tòa. Không bao lâu, sư trở về Vân nam, khai trường giảng pháp, xiển dương Thiền phong, có hàng trăm đệ tử theo học, trong đó, có 5 người được sư ấn khả. Sư tịch ở núi Đại hoa, hưởng dương 37 tuổi, ngài Trung phong Minh bản làm điếu văn tỏ lòng thương tiếc. [X. Ngũ đăng toàn thư Q.58; Tăng đính Phật tổ đạo ảnh Q.2 (Hư vân)].