huyền đạo

Phật Quang Đại Từ Điển

(玄道) Đạo sâu sa mầu nhiệm. Tức chỉ cho Phật đạo, Chân đế, Trung đạo đệ nhất nghĩa. Đạo này chẳng phải có, chẳng phải không, chẳng phải chẳng có, chẳng phải chẳng không, lìa tứ cú, tuyệt bách phi , dứt bặt nói năng suy nghĩ. Từ ngữ Huyền đạo vốn có xuất xứ từ Đạo đức kinh của ngài Lão tử: Đạo mà nói được thì chẳng phải là đạo thường, Danh mà gọi được thì chẳng phải là danh thường. Vô danh là đầu mối của trời đất, hữu danh là mẹ đẻ của muôn vật (…) Cả hai đồng thể mà dị danh, đều gọi là huyền , huyền lại thêm huyền là cửa của các thứ mầu nhiệm . Đạo thì vô danh, trời đất thì hữu danh, cả hai đều từ một thể mà ra, lí ấy rất sâu sa kín nhiệm, khó lường biết được, Phật giáo mượn từ huyền đạo để hiển bày lí Chân đế vô sở đắc . [X. chương Diệu tồn, chương Huyền đắc trong luận Niết bàn vô danh; Trung luận sớ Q.1; Tông kính lục Q.92].