hữu vi

Phật Quang Đại Từ Điển

(有爲) Phạm: Saôskfta. Pàli:Saíkhata. Cũng gọi Hữu vi pháp. Pháp do tạo tác mà có. Chỉ chung cho các hiện tượng do nhân duyên hòa hợp mà được tạo ra. Cũng tức là tất cả hiện tượng trong quan hệ hỗ tương, sinh diệt biến hóa, lấy 4 tướng hữu vi sinh, trụ, dị, diệt làm đặc trưng. Ngược lại, pháp nào vĩnh viễn bất biến và tồn tại tuyệt đối thì gọi là Vô vi pháp. Cứ theo Câu xá luận quang kí quyển 5, thì nhân duyên tạo tác gọi là Vi , còn các pháp sắc, tâm từ nhân duyên, có sự tạo tác của nhân duyên, cho nên gọi là Hữu vi, do đó, Hữu vi cũng là tên khác của pháp duyên khởi. Tiểu thừa chú trọng việc dùng hữu vi để nói rõ về lẽ vô thường của kiếp người, còn Đại thừa thì đi xa hơn mà đặt nặng việc phân tích tất cả hiện tượng vật chất và tinh thần trong thế giới để thuyết minh lí tính không, duy tâm. Phổ thông cho 5 uẩn là pháp hữu vi, còn trong 75 pháp của tông Câu xá thì pháp hữu vi chiếm hết 72 thứ; trong 100 pháp của tông Duy thức thì pháp hữu vi chiếm 94 loại. Nói một cách bao quát, pháp hữu vi có thể chia ra 3 loại gọi là Tam hữu vi, đó là: Sắc pháp (vật chất), Tâm pháp (tâm) và Phi sắc phi tâm pháp (pháp bất tương ứng). Pháp hữu vi là pháp vô thường, chuyển biến, đổi dời trong từng sát na, vì thế cũng gọi là Hữu vi chuyển biến. Sinh, trụ, dị, diệt (Tứ tướng hữu vi) là đặc trưng căn bản của các pháp hữu vi, cũng có thuyết hợp 2 tướng trụ, dị làm một mà lập Tam tướng hữu vi. Luận Câu xá quyển 1 có nêu 4 tên khác của pháp hữu vi: Thế lộ, Ngôn y, Hữu li và Hữu sự. 1. Thế lộ: Thế nghĩa là tam thế (3 đời); lộ tức là pháp, là chỗ nương tựa của đời (thế). Nghĩa là pháp quá khứ là đời đã qua rồi; pháp hiện tại là đời đang diễn ra; pháp vị lai là đời sẽ diễn ra. Bởi thế pháp hữu vi là chỗ nương tựa của 3 đời, cho nên gọi là Thế lộ. Thế cũng còn bao hàm ý nghĩa có thể phá hoại , pháp hữu vi là pháp có thể phá hoại, mà cũng là chỗ nương tựa của vô thường, cho nên gọi là Thế lộ. 2. Ngôn y: Ngôn chỉ cho lời nói lấy âm thanh làm thể, là pháp mà Danh ngôn năng thuyên và Thực nghĩa sở thuyên dựa vào để biểu hiện và tồn tại. Lí do tại sao pháp hữu vi được gọi là Ngôn y, là vì nghĩa sở thuyên và danh năng thuyên đều rơi vào 3 đời và hiện hành trong 3 đời (quá khứ, hiện tại, vị lai). 3. Hữu li: Li nghĩa là xa lìa vĩnh viễn, tức chỉ cho Niết bàn. Tất cả các pháp hữu vi cuối cùng sẽ bị lìa bỏ mà đến Niết bàn, cho nên gọi là Hữu li. 4. Hữu sự: Sự là nhân, nghĩa là các pháp hữu vi đều từ nhân mà sinh ra, cho nên gọi là Hữu sự. Lại nữa, pháp hữu vi phải nhờ quan hệ nhân quả mới thành lập được, như vậy, phàm là pháp hữu vi thì nhất định sẽ sinh ra quả, cho nên Hữu vi cũng được gọi là Hữu quả. Ngoài ra, Hữu vi còn có tên khác là Hữu sát na vì nó có tính chất sinh diệt đổi dời trong từng sát na. [X. luận Câu xá Q.5; luận Thành duy thức Q.2; Câu xá luận tụng sớ Q.1; Thành duy thức luận thuật kí Q.2 phần cuối; Đại thừa nghĩa chương Q.2]. (xt. Ngũ Vị Thất Thập Ngũ Pháp, Ngũ Vị Bách Pháp, Tứ Tướng).