hữu thể vô thể

Phật Quang Đại Từ Điển

(有體無體) 1. Hữu Thể Vô Thể. Các pháp có thực thể và các pháp không có thực thể. Về thực tướng các pháp, Thuyết nhất thiết hữu bộ chủ trương pháp thể hằng hữu; tông Pháp tướng Đại thừa thì cho rằng ngoài tướng năng y, còn có thể sở y, tức là trong 3 tính Biến, Y, Viên, thì ngoài các pháp Y tha khởi ra, còn có chân như thực thể Viên thành thực. Còn các tông thuộc về pháp tinh như Hoa nghiêm, Thiên thai, v.v… thì chủ trương tướng năng y tức là thể sở y, cho nên ngoài tướng của các pháp Y tha khởi ra thì không có chân thể Viên thành thực. [X. phẩm La bà na vương khuyến thỉnh trong kinh Đại thừa nhập lăng già Q.1; phẩm Thuật cầu trong Đại thừa trang nghiêm kinh luận Q.4; Hoa nghiêm kinh thám huyền kí Q.1]. (xt.Thể). II. Hữu Thể Vô Thể. Tiếng dùng trong Nhân minh. Hữu thể, nghĩa là trong luận thức Nhân minh, bất cứ sự vật gì được nêu ra đều phải được người lập luận và người vấn nạn cùng công nhận là có thật. Vô thể, sự vật được nêu ra không được người lập luận và người vấn nạn công nhận là có thật. Theo lẽ thông thường, bất cứ sự vật gì tồn tại trên thực tế, thì gọi là Hữu thể, còn sự vật không tồn tại trên thực tế thì gọi là Vô thể. Nhưng trong Nhân minh, việc quyết định một sự vật là Hữu thể hay Vô thể thì hoàn toàn tùy thuộc vào ý kiến chủ quan của người lập luận và người vấn nạn. Bất luận là sự vật có tồn tại trên thực tế hay không, nhưng chỉ cần người lập luận và người vấn nạn cùng công nhận sự vật ấy là có thật thì gọi đó là Hữu thể, còn nếu đôi bên không công nhận là có thật thì gọi là Vô thể. Do đó, vấn đề Hữu thể, Vô thể trong Nhân minh hoàn toàn tùy theo quan điểm của người lập luận và người vấn nạn mà chuyển biến. Nhân minh gọi danh từ trước (tiền trần) của Tông (mệnh đề) là thể, danh từ sau (hậu trần) của Tông là nghĩa. Cho nên, nói theo danh từ trước thì có Hữu thể, Vô thể; nói theo danh từ sau thì có Hữu nghĩa, Vô nghĩa. Cái tiêu chuẩn phân biệt Hữu thể vô thể, Hữu nghĩa vô nghĩa hoàn toàn giống với tiêu chuẩn phân biệt Cực thành bất cực thành; bởi thế, Hữu thể, Hữu nghĩa tức là Cực thành thể, Cực thành nghĩa; còn Vô thể, Vô nghĩa tức là Bất cực thành thể, Bất cực thành nghĩa. Hữu thể vô thể và Hữu nghĩa vô nghĩa được chia làm 4 loại: 1. Lưỡng câu hữu thể hoặc Lưỡng câu hữu nghĩa: Người lập luận và người vấn nạn đều công nhận là có thật. 2. Lưỡng câu vô thể hoặc Lưỡng câu vô nghĩa: Người lập luận và người vấn nạn đều không công nhận là có thật. 3. Tự hữu tha vô thể hoặcTự hữu tha vô nghĩa: Người lập luận công nhận có thật, người vấn nạn không công nhận có thật. 4. Tha hữu tự vô thể hoặcTha hữu tự vô nghĩa: Người vấn nạn công nhận có thật, người lập luận không công nhận có thật. [X. Nhân minh nhập chính lí luận ngộ tha môn thiển thích (Trần đại tề)]. (xt. Cực Thành).