hữu tầm hữu tứ

Phật Quang Đại Từ Điển

(有尋有伺) Pàli:Savitakka-savicàra. Pháp tương ứng với 2 tâm sở Tầm và Tứ.Cứ theo luận Câu xá quyển 2, thì trong 18 giới, nói về tương ứng hay không tương ứng với tầm, tứ, thì có thể chia làm 4 phẩm: Hữu tầm hữu tứ, Vô tầm vô tứ, Vô tầm duy tứ (không có tầm chỉ có tứ) Vô tứ duy tầm (không có tứ chỉ có tầm). Trong đó, hành tướng của 5 thức trước (thức mắt, thức tai, thức mũi, thức lưỡi, thức thân) thì thô và chuyển biến ở bên ngoài, cho nên thường tương ứng với tầm, tứ, tức là Hữu tầm hữu tứ. Mười sắc giới (5 căn, 5 cảnh) không phải là những pháp tương ứng, cho nên thường không tương ứng với tầm, tứ, tức là Vô tầm vô tứ. Ba giới: Ý giới, ý thức giới và pháp giới thì chung cho cả 3 phẩm: Hữu tầm hữu tứ, vô tầm duy tứ và Vô tầm vô tứ. Tức là 3 giới này, trong cõi Dục và Sơ tĩnh lự, ngoại trừ 2 pháp tầm, tứ, còn các pháp tương ứng khác thì thường tương ứng với tầm, tứ, cho nên là Hữu tầm hữu tứ. Còn trong khoảng Sơ tĩnh lự và Tĩnh lự thứ 2 thì các pháp này chỉ tương ứng với tứ, cho nên là Vô tầm duy tứ. Từ Tĩnh lự thứ 2 trở lên cho đến Hữu đính địa, thì những pháp này không tương ứng với tầm, tứ, cho nên là Vô tầm vô tứ. Do đó, cõi Dục và Sơ tĩnh lự được gọi là Hữu tầm hữu tứ địa; khoảng giữa Sơ tĩnh lự và Tĩnh lự thứ 2 được gọi là Vô tầm duy tứ địa; còn từ Tĩnh lự thứ 2 trở lên được gọi là Vô tầm vô tứ địa. Ngoài ra, các pháp phi tương ứng trong pháp giới và pháp tứ của Tĩnh lự trung gian, đều là Vô tầm vô tứ. Còn pháp tầm thì chỉ tương ứng với pháp tứ, cho nên trong tất cả thời gian, đều là Vô tầm duy tứ. Pháp tứ thì trong cõi Dục và Sơ tĩnh lự chỉ tương ứng với pháp tầm, cho nên là Vô tứ duy tầm. Tuy nhiên, trong các kinh luận như luận Đại tì bà sa, v.v… còn có nhiều thuyết khác. [X. luận Đại tì bà sa Q.52, Q.90, Q.145; luận Du già sư địa Q.4, Q.56; Đại thừa a tì đạt ma tạp tập luận thuật kí Q.4; luận Thuận chính lí Q.4; luận Câu xá Q.10; Câu xá luận quang kí Q.2].