hữu pháp sai biệt tướng vi quá

Phật Quang Đại Từ Điển

(有法差別相違過) Cũng gọi Hữu pháp sai biệt tương vi Nhân (Phạm: Dharmi-vizewa-viruddha). Tiếng dùng trong Nhân minh. Lỗi do Nhân trái với ý nghĩa hàm súc trong Hữu pháp(danh từ trước), tức là lỗi thiếu 2 điều kiện (tướng) sau trong 3 điều kiện của Nhân. Đây là lỗi thứ 4 trong 4 lỗi tương vi của Nhân (lí do) trong 33 lỗi Nhân minh. Hữu pháp chỉ cho tiền trần (danh từ trước– chủ từ) của Tông (mệnh đề); sai biệt chỉ cho ý nghĩa hàm súc trong danh từ trước; tương vi tức là trái ngược nhau, mâu thuẫn. Khi lập luận thức Nhân minh, người lập luận khôn ngoan, bao giờ cũng có 2 ẩn ý trong danh từ trước của Tông, chỉ thành lập một, còn một để phòng hờ và hi vọng đối phương sẽ không thành lập ẩn ý ấy. Nhưng Nhân (lí do) trong mệnh đề của người lập luận không có quan hệ với đồng phẩm, trái lại, có quan hệ với dị phẩm, nên bị đối phương dùng Nhân chính xác đánh đổ. Như luận thức sau đây: Tông: Có một đấng thường còn. Nhân: Vì không có hình tướng. Dụ: Như hư không. Ý của người lập luận là muốn xác lập một đấng Tạo hóa thường hằng sinh ra muôn vật, nhưng có thể bị phản bác bằng một luận thức chính xác của đối phương: Tông: Đấng ấy của ông là thường còn, nhưng không tạo ra được vật gì cả. Nhân: Vì đấng ấy không có hình tướng. Dụ: Như hư không. Trong trường hợp này, người lập luận đã phạm lỗi trái ngược với ý nghĩa hàm súc mà mình chủ trương trong danh từ trước, tức là Hữu pháp sai biệt tương vi . [X. Nhân minh nhập chính lí luận; Nhân minh nhập chính lí luận sớ Q.trung phần cuối; Nhân minh nhập chính lí luận sớ thụy nguyên kí Q.4, Q.7]. (xt. Tứ Tương Vi, Nhân Minh, Đông Phương Luận Lí Học).