hữu lậu vô lậu

Phật Quang Đại Từ Điển

(有漏無漏) Gọi chung hữu lậu và vô lậu, chỉ cho phiền não. Về sự phân biệt giữa hữu lậu và vô lậu có những điểm sau đây: Thân thể của phàm phu gọi là Hữu lậu thân, còn thân Phật thì thanh tịnh vô lậu, gọi là Vô lậu thân; tu 6 hành quán hữu lậu được quả báo trời, người trong 3 cõi, gọi là Hữu lậu đạo, Hữu lậu lộ, còn pháp tu chứng được đạo quả Niết bàn thì gọi là Vô lậu đạo, Vô lậu lộ. Nhờ vào pháp thế tục mà phát sinh trí tuệ, gọi là Hữu lậu trí, còn chứng biết lí 4 đế và trí tuệ của bậc Thánh từ giai vị Kiến đạo trở lên, gọi là Vô lậu trí. Phàm phu từ giai vị Kiến đạo trở xuống làm thiện, gọi là Hữu lậu thiện, còn điều thiện do bậc Thánh từ giai vị Kiến đạo trở lên đạt được, gọi là Vô lậu thiện. Hành vi thế tục do trí hữu lậu tạo tác, gọi là Hữu lậu hạnh, còn dùng trí vô lậu tu quán hạnh Tứ đế thì gọi là Vô lậu hạnh. Dùng đạo hữu lậu để đoạn trừ phiền não thì gọi là Hữu lậu đoạn; dùng đạo Vô lậu để đoạn trừ phiền não thì gọi là Vô lậu đoạn. Hạnh hữu lậu có thể chiêu cảm quả hữu lậu trời, người, v.v… trong 5 đường, cho nên gọi là Hữu lậu nhân; còn hạnh vô lậu thì có khả năng chứng quả vô lậu Niết bàn, cho nên gọi là Vô lậu nhân. Phàm phu nhờ tu 6 hạnh quán mà an trụ trong các định Tứ thiền, Tứ vô sắc định, Tứ vô lượng tâm định, v.v… gọi là Hữu lậu định, hoặc Hữu lậu thiền; còn thiền định do bậc Thánh dùng trí vô lậu mà phát được thì gọi là Vô lậu định, hay Vô lậu thiền. Định Vô lậu này sinh khởi ở trong 9 địa Vô lậu (Vị chí định, Trung gian định, Tứ căn bản định, Không vô biên xứ định, Thức vô biên xứ định và Vô sở hữu xứ định). Ngoài ra, theo tông Duy thức thì tịnh thức của quả Phật gọi là Vô lậu thức, còn thức khi chưa thành Phật thì gọi là Hữu lậu thức. Thức thứ 6, thứ 7 khi ở Sơ địa vào giai vị Kiến đạo đã chuyển một phần thức thành trí, thì cũng có thể đoạn được gọi là Vô lậu thức. Còn 5 thức trước và thức thứ 8 thì khi thành quả Phật mới có thể chuyển biến thành thức vô lậu. Sau hết, sự giác ngộ vô lậu xưa nay vốn vắng lặng, gọi là Vô lậu vô vi; nhưng khi do tác dụng mà khởi động thì gọi là Vô lậu hữu vi. [X. luận Đại tì bà sa Q.22, Q.173; luận Câu xá Q.1, Q.2, Q.12; luận Thuận chính lí Q.1, Q.49; luận Thành duy thức Q.5, Q.10; Thành duy thức luận thuật kí Q.5 phần cuối, Q.10 phần cuối].