hữu lậu pháp

Phật Quang Đại Từ Điển

(有漏法) Đối lại: Vô lậu pháp. Chỉ cho các lậu (phiền não) tùy thuận tăng trưởng lẫn nhau. Tức là pháp Khổ đế và Tập đế trong Tứ đế. Các phiền não này đối với pháp tương ứng là Khổ đế, Tập đế và cảnh sở duyên của chúng tùy thuận tăng trưởng lẫn nhau, cho nên gọi pháp Khổ đế, Tập đế là Hữu lậu. Còn các lậu duyên theo Diệt đế và Đạo đế mà sinh khởi thì vì không tùy thuận tăng trưởng lẫn nhau, cho nên pháp Diệt đế, Đạo đế chẳng phải là pháp hữu lậu. Cứ theo Câu xá luận quang kí quyển 1, thì sau khi đức Phật nhập diệt 500 năm, ở nước Viêm la phược chúc có luận sư Pháp thắng soạn luận A tì đàm tâm, đã dùng Tùy sinh để giải thích Hữu lậu. Về sau, luận sư Pháp cứu soạn luận Tạp a tì đàm tâm để bổ túc thêm cho thuyết của ngài Pháp thắng. Ngài Pháp cứu cho rằng Diệt đế và Đạo đế tuy cũng có thể sinh ra các lậu, nhưng lậu này chẳng phải hữu lậu, nên theo ngài thì nghĩa sinh trong Tùy sinh là không đúng, vì thế đổi Tùy sinh thành Tùy tăng . Thuyết Tùy tăng ngày nay chính là căn cứ vào thuyết của ngài Pháp cứu mà ra. Có thể chia Tùy tăng làm 2 loại: 1. Tương ứng tùy tăng: Tức là phiền não và tâm sở tương ứng với nó tùy thuận tăng trưởng lẫn nhau. 2. Sở duyên tùy tăng: Tức là phiền não và cảnh sở duyên của nó tùy thuận tăng trưởng lẫn nhau. Ngoài ra, theo luận Câu xá quyển 1 thì Hữu lậu có nhiều tên gọi khác nhau như: Thủ uẩn, Hữu tránh, Khổ, Tập, Thế gian, Kiến xứ, Tam hữu, v.v… Còn pháp hữu lậu thì là tên gọi chung cho nhân quả Khổ, Tập (Tập là nhân, Khổ là quả) trong 3 cõi thế gian. Cũng luận Câu xá quyển 2, cho rằng 15 giới(5 căn + 5 cảnh + 5 thức)trong 18 giới là hữu lậu, 3 giới còn lại(ý căn, pháp trần, ý thức) thì chung cho cả hữu lậu và vô lậu. Về sự giải thích pháp hữu lậu, các bộ phái có những quan điểm khác nhau như sau:1. Thuyết nhất thiết hữu bộ cho Tùy tăng là nghĩa hữu lậu, nên thừa nhận Khổ đế, Tập đế là pháp hữu lậu. Nhưng trong sự tương tục, phiền não của 6 thức không cùng khởi với tâm thiện và vô phú vô kí, ở đây không có nghĩa Tùy tăng, cho nên tâm thiện và vô phú vô kí không phải là pháp hữu lậu. 2. Đại chúng bộ và các nhà phân biệt luận cho rằng Tùy miên là pháp bất tương ứng, không tùy tăng với cảnh sở duyên và pháp tương ứng, nhưng vì chúng tương tục hiện khởi nên thừa nhận tâm thiện và vô phú vô kí cũng là pháp hữu lậu. Ngoài ra, các vị Luận sư này đều nhận rằng thuyết của Hữu bộ cho 15 giới (5 căn, 5 cảnh, 5 thức) là hữu lậu, mà thân Phật cũng thuộc 15 giới nên thân Phật cũng là hữu lậu là không đúng và bác bỏ quan điểm này của Hữu bộ bằng thuyết Phật đã dứt hẳn Tùy miên nên thân Ngài là vô lậu . 3. Kinh lượng bộ cho rằng trong tự thân có chủng tử hữu lậu, do chủng tử này mà sinh ra tâm thiện và vô phú vô kí, cho nên tâm ấy là hữu lậu. 4. Duy thức Đại thừa thì bác bỏ các thuyết nói trên, mà cho rằng ngã chấp của thức Mạt na là thể của các lậu, bất cứ pháp nào cùng chuyển với nó thì đều gọi là pháp hữu lậu. Tức là phiền não tương ứng với 6 thức tuy có nghĩa là lậu , nhưng thức thứ 7 là chỗ nương dựa của các thức nhiễm tịnh, thường hằng tương tục mà không gián đoạn, là thể của các lậu , cho nên pháp nào cùng chuyển với nó thì gọi là pháp hữu lậu. [X. luận Đại tì bà sa Q.22, Q.76, Q.86; luận Tạp a tì đàm tâm Q.1; luận Câu xá Q.13, Q.19; luận Thuận chính lí Q.1, Q.49; luận Thành duy thức Q.5, Q.10; Câu xá luận quang kí Q.2, Q.19; Pháp hoa kinh huyền tán Q.1]. (xt. Vô Lậu Pháp).