hữu lậu

Phật Quang Đại Từ Điển

(有漏) I. Hữu Lậu. Phạm:Sàsrava. Đối lại: Vô lậu. Lậu, Phạm:Àsrava, nghĩa là thấm ra, rò rỉ, tên khác của phiền não. Phiền não sinh ra tội lỗi làm cho con người trôi lăn trong thế giới mê vọng không ngừng, khó có thể ra khỏi biển khổ sinh tử. Trong 4 Thánh đế thì Khổ đế, Tập đế thuộc về quả và nhân mê vọng, là pháp hữu lậu; Diệt đế, Đạo đế là quả và nhân giác ngộ, là pháp vô lậu. Pháp hữu lậu, vô lậu có vị trí rất quan trọng trong nhân và quả của sự tu hành. Cứ theo luận Câu xá quyển 1 thì Hữu lậu có nhiều tên gọi khác như: Thủ uẩn, Hữu tránh, Khổ, Tập, Thế gian, Kiến xứ, Tam hữu, Hữu nhiễm, Hữu nhiễm ô, Hữu phú, Trần cấu, v.v… Cứ theo luận Đại thừa a tì đạt ma tạp tập quyển 3 thì Hữu lậu có 6 loại: Lậu tự tính, Lậu tương thuộc, Lậu sở phược, Lậu sở tùy, Lậu tùy thuận và Lậu chủng loại. [X. luận Đại tì bà sa Q.22; luận Câu xá Q.2; luận Thuận chính lí Q.1, Q.49; Câu xá luận quang kí Q.1, Q.2; Câu xá luận bảo sớ Q.1, Q.2]. (xt. Lục Lậu, Hữu Lậu Pháp, Hữu Lậu Vô Lậu). II. Hữu Lậu. Đối lại: Dục lậu, Vô minh lậu. Chỉ cho 52 loại phiền não ở cõi Sắc và cõi Vô sắc. [X. luận Đại tì bà sa Q.47, Q.48; luận Đại thừa a tì đạt ma tạp tập Q.7; Câu xá luận quang kí Q.20]. (xt. Tam Lậu).