hữu giáo vô nhân

Phật Quang Đại Từ Điển

(有教無人) Đồng nghĩa với Quả đầu vô nhân. Chỉ có giáo pháp, chứ thực tế không có người tu hành chứng quả. Cứ theo phán giáo của tông Thiên thai thì giai vị đoạn hoặc của Tạng giáo, Bát địa trở lên của Thông giáo, Sơ địa trở lên của Biệt giáo đều là Hữu giáo vô nhân. Bởi vì, nếu nói theo quan điểm hành nhân bẩm giáo (người tu hành vâng theo giáo pháp) (Nhân), thì Tạng, Thông, Biệt giáo vừa có giáo pháp vừa có người tu hành hướng tới cực quả, cho nên gọi là Hữu giáo hữu nhân . Nhưng nếu nói theo quan điểm nhân hành quả mãn (nhân thành tựu, quả viên mãn) (Quả), thì chỉ có giáo pháp, chứ thực tế không có người chứng đắc cực quả, cho nên gọi là Hữu giáo vô nhân . Đó là vì căn cơ của Tạng giáo trải qua 3 đại A tăng kì kiếp mới trở thành hàng Hậu giáo (Thông giáo, Biệt giáo, Viên giáo), hàng Thông giáo từ Bát địa trở lên đã biết rõ lí Trung đạo, hàng Biệt giáo từ Sơ địa trở lên đồng với giai vị Sơ trụ của Viên giáo; bởi thế, những người tu hành trong 3 giáo nói trên, mặc dầu còn ở trong Nhân nhưng đã được lợi ích tiếp nhập vào trong Hậu giáo, do đó trên thực tế, không có người chứng đắc cực quả của 3 giáo ấy. Tông Thiên thai căn cứ vào đây để nói rõ ý nghĩa Tạng giáo, Thông giáo và Biệt giáo đều là quyền giáo phương tiện. Ngoài ra, tông Tịnh độ cũng dựa theo quan điểm trên mà cho rằng trong thời mạt pháp, môn Thánh đạo tự lực tu hành rất khó chứng quả, nên chỉ là Hữu giáo vô nhân; còn môn Tịnh độ tu hành nhờ tha lực, thì dễ tu dễ chứng, cho nên là Hữu giáo hữu nhân, Hữu giáo hữu chứng. [X. Tứ giáo nghĩa Q.12; Ma ha chỉ quán Q.3 phần dưới; An lạc tập Q.thượng; Duy ma kinh huyền sớ Q.4; Chỉ quán phụ hành truyền hoằng quyết Q.3 phần 4]. (xt. Quả Đầu Vô Nhân).