hữu đối

Phật Quang Đại Từ Điển

(有對) Phạm: Sa-pratigha. Đối lại: Vô đối. Đối hàm ý là ngăn ngại. Hữu đối nghĩa là pháp có tính ngăn ngại. Ngại có 2 loại là chướng ngại và câu thúc. Chẳng hạn như các pháp 5 căn, 5 cảnh và tâm, tâm sở, v.v… bị chướng ngại nên không sinh khởi, hoặc các pháp ấy bị cảnh sở thủ sở duyên câu thúc nên chẳng thể chuyển biến đến cảnh khác. Cứ theo luận Câu xá quyển 2 thì Hữu đối có thể chia làm 3 loại: 1. Chướng ngại hữu đối: Nghĩa là 10 sắc pháp (5 căn + 5 cảnh) do cực vi tạo thành, ngăn ngại lẫn nhau nên không sinh, như tay ngăn ngại tay, đá ngăn ngại đá, v.v…, 2 loại vật này không thể cùng lúc phát sinh ở một chỗ, nên gọi là Chướng ngại hữu đối. 2. Cảnh giới hữu đối: Nghĩa là 6 căn, 6 thức và tâm sở pháp(một phần pháp giới) bị cảnh sở thủ trói buộc, không thể sinh khởi cảnh khác. Chẳng hạn như căn mắt, thức mắt và tâm sở tương ứng với chúng, đã sinh khởi cảnh sắc thì bị tự cảnh của chúng trói buộc nên không sinh khởi ở cảnh khác được, các căn thức khác cũng thế. Cũng như luận Thi thiết quyển 5 nói, mắt của cá chỉ thấy được ở dưới nước, trên đất liền thì vô dụng; mắt người ta cũng vậy, chỉ thấy được trên đất liền(nghĩa là bị đất liền trói buộc, ngăn ngại), chứ không thể khởi tác dụng ở dưới nước. 3. Sở duyên hữu đối: Nghĩa là 6 thức và tâm sở chỉ chuyển biến ở cảnh sở duyên của chúng; cũng tức là 6 thức và tâm sở bị pháp sở duyên của chúng trói buộc. Cảnh giới và sở duyên nói trên đây đều là 6 cảnh, nhưng nương vào công năng thủ cảnh mà gọi là Cảnh giới hữu đối và căn cứ vào tác dụng duyên theo phụ mà gọi là Sở duyên hữu đối. [X. luận Đại tì bà sa Q.76, Q.128; luận Tạp a tì đàm tâm Q.1; luận Thành duy thức Q.1; Câu xá luận quang kí Q.2].