hữu

Phật Quang Đại Từ Điển

(有) Phạm,Pàli:Bhava. Nghĩa là tồn tại, sinh tồn. Trong kinh điển Phật giáo, phạm vi sử dụng của chữ Hữu rất rộng, rồi về ý nghĩa và sự phân loại của nó cũng có nhiều thuyết khác nhau. Cứ theo luận Đại tì bà sa quyển 60, thì Hữu có nhiều nghĩa, nhưng chủ yếu thì chỉ cho quả thể dị thục của chúng sinh có tình thức và các nghiệp có khả năng chiêu cảm quả thể dị thục này, cũng tức là do nghiệp nhân thiện ác mà mang lại quả báo khổ vui. Vì loại nhân quả báo ứng này nối tiếp nhau không mất, nên gọi là Hữu . Còn luận Câu xá quyển 9 và luận Thành duy thức quyển 8, thì cho rằng nghiệp có khả năng đưa đến quả báo vị lai, gọi là Hữu , hữu này tức là chi Hữu trong 12 nhân duyên. Hữu biểu thị sự tồn tại của các pháp, đối lại với Vô , không tồn tại. Thuyết nhất thiết hữu bộ cho rằng các pháp tồn tại, 3 đời có thật; nhưng tông Duy thức thì chủ trương các pháp y tha khởi tính là Giả hữu , Viên thành thực tính là Thực hữu , nhưng ý nghĩa Thực hữu ở đây khác với ý nghĩa 3 đời thực có của Thuyết nhất thiết hữu bộ. Tức Thực hữu này là chỉ cho Thực tính (chân như) của các pháp là thường tồn, cùng khắp. Vì thực tính ấy không sinh diệt nên tông Duy thức đặc biệt gọi Hữu này là Diệu hữu, Chân hữu. Ngoài ra, vì phàm phu chấp trước cõi Sắc và cõi Vô sắc là cảnh giới giải thoát, nên thường dấy sinh ý niệm giải thoát, vọng cầu sinh về 2 cõi này, vì muốn ngăn dứt tình chấp này nên trong Phật pháp lập ra các Hữu , để nói rõ ràng 2 cõi này không phải là cảnh giới giải thoát chân thực. Chẳng hạn như gọi Tham của cõi Sắc và cõi Vô sắc là Hữu tham , gọi phiền não là Hữu lậu , hoặc gọi Ái của cõi Vô sắc là Hữu ái …. Về chủng loại Hữu thì gồm có: 1. Ba hữu: Chỉ cho 3 cõi, cũng tức là Dục hữu, Sắc hữu và Vô sắc hữu. 2. Bảy hữu: Địa ngục hữu, Ngã quỉ hữu, Bàng sinh hữu, Thiên hữu, Nhân hữu, Nghiệp hữu, Trung hữu. 3. Hai mươi lăm hữu: -Bốn ác thú: Địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, A tu la. -Bốn châu: Đông thắng thần châu, Nam thiệm bộ châu, Tây ngưu hóa châu, Bắc câu lư châu. -Sáu tầng trời cõi Dục: Trời Tứ thiên vương, trời Dạ ma, trời Đao lợi, trời Đâu xuất, trời Hóa lạc, trời Tha hóa tự tại. Các tầng trời cõi Sắc: Trời Sơ thiền, trời Đại phạm, trời Nhị thiền, trời Tam thiền, trời Tứ thiền, trời Vô tưởng, trời Ngũ tịnh cư. Các cõi trời Vô sắc: Trời Không vô biên xứ, trời Thức vô biên xứ, trời Vô sở hữu xứ, trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ. 4. Hai mươi chín hữu: Tức là 25 Hữu nói trên cộng với 5 tầng trời của Ngũ tịnh cư: Vô phiền thiên, Vô nhiệt thiên, Thiện kiến thiên, Thiện hiện thiên, Sắc cứu kính thiên. Ngoài ra, bậc Thánh Sơ quả còn phải 7 lần qua lại trong nhân gian và cõi trời, cộng lại thành 14 lần sinh, mỗi lần sinh lại chia làm Sinh hữu và Trung hữu, nên tổng cộng là 28 hữu, cũng gọi 28 sinh. Đây là số lần thụ sinh cao nhất của bậc Thánh Sơ quả, vì thế không có cái Hữu thứ 29. Lại vì trạng thái tồn tại của tất cả vạn hữu không giống nhau nên mới chia làm nhiều loại Hữu và được gọi chung là Chư hữu , Chư hữu vốn rộng lớn vô biên giống như biển cả nên cũng gọi là Chư hữu hải . Luận Đại trí độ quyển 12 chia các pháp tồn tại ra làm 3 Hữu: 1. Tương đãi hữu: Sự tồn tại (Hữu) có đối đãi, như lớn nhỏ, dài ngắn, v.v… 2. Giả danh hữu: Tức là Hữu do nhiều nhân duyên tập hợp lại mà thành, như thân người là do 4 đại giả hòa hợp mà có, là Hữu giả danh chứ không có thực thể. 3. Pháp hữu: Pháp do nhân duyên sinh, tuy không có tự tính, nhưng chẳng phải hữu danh vô thực như sừng thỏ, lông rùa… nên gọi là Pháp hữu. [X. luận Tập dị môn túc Q.4; luận Đại tì bà sa Q.192; luận Câu xá Q.19; luận Thuận chính lí Q.45; luận Thành duy thức Q.2, Q.9; luận Đại trí độ Q.3; Đại thừa nghĩa chương Q.8]. (xt. Thập Nhị Nhân Duyên, Tam Hữu, Tứ Hữu, Vô).