hương tuý sơn

Phật Quang Đại Từ Điển

(香醉山) I. Hương Túy Sơn. Hương túy, Phạm, Pàli: Gandhamàdana. Dịch âm: Càn đà ma ha thuật, Kiện đà ma la. Cũng gọi Hương thủy sơn, Hương tích sơn, Hương sơn. Núi ở vùng cực bắc của châu Diêm phù đề. Núi này có các mùi hương làm cho người ta bị say, cho nên gọi là Hương túy. Cứ theo kinh Khởi thế nhân bản quyển 1, phẩm Diêm phù châu trong kinh Khởi thế quyển 1, thì có vô lượng Khẩn na la (thần âm nhạc) sống trong Hương sơn, thường tấu nhạc và múa hát, có các loại cây tỏa ra mùi thơm, cũng là chỗ ở của các vị thần Đại uy đức. Trong núi có 2 hang động Tạp sắc và Thiện Tạp sắc, do 7 thứ báu như mã não, v.v… tạo thành. Hang dài và rộng 50 do tuần, là nơi ở của vua Càn thát bà và 500 Khẩn na la nữ. Phía bắc 2 hang động này lại có Đại sa la thụ vương, rừng cây Bát thiên sa la và hồ Mạn đà cát ni. Từ xưa, tín đồ của Ấn độ giáo tin rằng trên đỉnh núi này là cõi trời của thần Thấp bà (Phạm:Ziva), trong đó có cung điện của thần Cung tì la. Cho đến nay, người Ấn độ vẫn cho núi Hương túy là núi thiêng. Cứ theo vị trí và hình dáng được mô tả trong kinh điển, thì núi này có lẽ là núi Kailàsa, đứng sừng sững trên bờ phía bắc hồ Mànasa trong dẫy núi Himalayas ngày nay. [X. kinh Quán Phật tam muội hải Q.1; kinh Đại lâu thán Q.1; luận Câu xá Q.11; luận Lập thế a tì đàm Q.2]. II. Hương Túy Sơn. Cũng gọi Tiểu thanh lương cảnh. Núi ở mạn tây bắc của thành phố Bắc bình, Trung quốc, nổi tiếng là nơi thâm u tịch mịch. Trong núi có dòng suối, nước ngọt và mát. Thổ dân dẫn nước ấy vào ruộng để cấy lúa, trồng sen, có mùi thơm lạ, chính vì thế mà núi được gọi là Tiểu thanh lương cảnh. Thời xưa trong núi này có chùa Hương sơn. (xt. Hương Sơn Tự).