hướng thượng

Phật Quang Đại Từ Điển

(向上) I. Hướng Thượng. Đối lại với Hướng hạ. Cũng gọi Hướng thượng môn, Nghịch vạn(..) tự. Tiếng dùng trong Thiền lâm. Từ cảnh giới mê vọng nỗ lực cầu Bồ đề hướng tới cảnh giới giác ngộ giải thoát, thuộc về môn tự lợi. Từ ngữ Hướng thượng được thấy rải rác trong các sách vở của Thiền tông và tùy theo trường hợp mà được ghép chung với những từ khác để diễn đạt ý nghĩa, như: -Hướng thượng nhất lộ, Hướng thượng đạo: Biểu thị chỗ chí cực của đại đạo và cảnh giới đại ngộ. -Hướng thượng cực tắc sự, Hướng thượng quan lệ tử, Hướng thượng sự: Mô tả việc tìm cầu lí sâu xa rất mực của Phật đạo. -Hướng thượng nhất lộ, thiên thánh bất truyền: Hình dung cảnh giới giác ngộ chân thực tuyệt đối mà chư Phật và Tổ sư các đời không hề nói đến, chỉ do người tu thiền tự tham cứu mà thể nhận được thôi. -Hướng thượng chuyển khứ: Từ cảnh giới tương đối của phàm phu mà hướng tới cảnh giới tuyệt đối của chư Phật. -Hướng thượng cánh đạo: Khi vị thầy bảo đệ tử hoặc Thiền khách đưa ra kiến giải triệt để thì thường dùng từ này để biểu thị. -Hướng thượng kiềm chùy: Tức là Đệ nhất nghĩa đế mà vị thầy dùng để tiếp hóa và rèn luyện người học. -Hướng thượng nhất cơ: Chỉ cho lực lượng và cơ dụng mà người học nhờ đó có thể tiến thẳng vào cảnh giới rốt ráo của chư Phật. -Hướng thượng nhân, Hướng thượng cơ: Chỉ cho người có năng lực thể nhận cảnh giới của chư Phật một cách triệt để. -Hướng thượng nhất cú: Câu nói đưa đến cảnh giới giác ngộ cùng tột. -Hướng thượng tông thừa: Tức là yếu chỉ sâu xa cùng cực của Thiền tông. [X. tắc 10, 11, 43 trong Bích nham lục; Tắc 31, 83 trong Thung dung lục]. II. Hướng Thượng. Tức là Hướng thượng môn được nói trong luận Thích ma ha diễn quyển 2, là 1 trong 2 môn của Sinh diệt môn. III. Hướng Thượng. Gọi đủ: Hồi văn hướng thượng. Lời chú giải được ghi ở trên mỗi danh từ, là một trong 12 cách truyền khẩu của Mật giáo. (xt. Thập Nhị Khẩu Truyền).