hương nghiêm

Phật Quang Đại Từ Điển

(香嚴) I. Hương Nghiêm. Tên một vị Thiên tử và Đồng tử trong kinh Phật. Kinh Duy ma cật sở thuyết quyển hạ (Đại 14, 552 thượng), nói: Có các Thiên tử đều hiệu là Hương nghiêm . Kinh Lăng nghiêm quyển 5 chép, đồng tử Hương nghiêm bạch đức Phật rằng (Đại 19, 125 hạ): Thấy các tỉ khưu đốt hương trầm thủy, mùi thơm lặng lẽ xông vào mũi, con quán mùi thơm ấy, chẳng phải từ gỗ ra, chẳng phải từ hư không đến (……) đức Như lai ấn chứng cho con, hiệu là Hương nghiêm. Mùi trầm bỗng diệt, diệu hương bao trùm, con từ Hương nghiêm chứng A la hán . II. Hương Nghiêm(?-898). Vị Thiền tăng Trung quốc, sống vào đời Đường, người Thanh châu (Ích đô, Sơn đông), pháp hiệu Trí nhàn. Ban đầu, sư theo ngài Bách trượng Hoài hải xuất gia. Sau sư tham yết ngài Qui sơn Linh hựu, không khế hợp, sư rơi lệ từ biệt. Một hôm, sư đang phát cỏ ở trong núi, bỗng nghe viên sỏi bắn vào gốc tre phát ra tiếng mà thoắt tỉnh ngộ. Lúc đó, sư mới thấu suốt ý chỉ sâu xa trong lời dạy trước kia của ngài Qui sơn, nhờ thế được nối pháp của ngài. Về sau sư vào núi Hương nghiêm, Đặng châu, xiển dương Thiền pháp, đồ chúng tham học thường hơn nghìn người. Đời sau tôn xưng sư là Hương nghiêm thiền sư. Bản tính sư nghiêm cẩn, lời nói ngay thẳng giản đơn. Sư có làm hơn 200 bài kệ tụng, lưu truyền khắp nơi. Sư thị tịch vào năm 898, sau được vua ban thụy là Tập Đăng Đại Sư . [X. Cảnh đức truyền đăng lục Q.11; Tống cao tăng truyện Q.13].