hương khẩu tỉ khâu

Phật Quang Đại Từ Điển

(香口比丘) Vị Tỉ khưu trong miệng thường bay ra mùi hương vi diệu. Luận Đại trí độ quyển 11 (Đại 25, 144 thượng), nói: Vua A du già một ngày vẽ 8 vạn tượng Phật, tuy chưa thấy đạo, nhưng đối với Phật pháp cũng có tâm tin ưa, hằng ngày thường thỉnh các vị tỉ khưu vào cung cúng dường và theo thứ tự thỉnh một vị Pháp sư ở lại nói pháp. Một hôm đến phiên vị Tam tạng pháp sư trẻ đẹp, thông minh được thỉnh, vị này khi thuyết pháp, trong miệng thường phát ra mùi thơm kì lạ, nhà vua rất ngạc nhiên và cho rằng vị này không đoan chính, muốn dùng mùi thơm để quyến rũ người trong cung vua, nên hỏi vị tỉ khưu rằng: Trong miệng của nhà ngươi có gì, há miệng cho ta xem?, vị tỉ khưu liền há miệng, nhưng chẳng có vật gì cả. Nhà vua lại sai lấy nước cho vị tỉ khưu súc miệng, súc miệng xong, mùi thơm vẫn bay ra như cũ. Vua hỏi: Đại đức! Mùi thơm này mới có hay đã có lâu rồi? Vị tỉ khưu đáp: (…) Thưở quá khứ, trong thời đức Phật Ca diếp, tôi là một tỉ khưu thuyết pháp, thường ở giữa đại chúng, vui mừng diễn nói công đức vô lượng của đức Phật Ca diếp và thực tướng các pháp (…), cho nên từ đó đến nay, trong miệng tôi vẫn thường phát ra mùi thơm vi diệu như thế . [X. Thích môn qui kính nghi Q.hạ].