Hương Hải

Từ điển Đạo Uyển


香海; 1628-1715. Thiền sư Việt Nam, thuộc dòng Trúc Lâm Yên Tử. Không biết Sư thừa kế ai bởi vì hệ thống truyền thừa của Trúc Lâm Yên Tử bị thất lạc từ sau vị Tổ thứ ba là Huyền Quang. Sư con nhà thế phiệt, tổ tiên làm quan triều đình. Sư thuở nhỏ đã thông minh tài trí, năm 18 tuổi thi đỗ Cử nhân, được triều đình phong làm tri phủ Triệu Phong (nay là tỉnh Quảng Trị). Năm 25 tuổi Sư bắt đầu học đạo, ba năm sau thì từ quan xuất gia rồi dong thuyền ra đảo Tim Bút La (Cù lao Chàm ở biển Ðà Nẵng) ở biển Nam Hải, cất am để tu. Tương truyền rằng ở đây ma quái kéo đến quấy nhiễu nhưng Sư đều đối trị được. Chúa Nguyễn Phúc Tần (chúa Hiền) nghe danh Sư cho mời về núi Quy Kính trụ trì. Bấy giờ có quan nội giám Gia quận Công, người Ðàng ngoài nhưng được chúa Nguyễn cho dạy trong nội cung. Gia quận Công hay lui tới nghe Sư giảng pháp. Vì thế mà có kẻ ganh ghét tâu với chúa Nguyễn là hai người âm mưu định trốn về Bắc. Chúa Nguyễn không có bằng cớ nhưng buộc Sư phải vào Quảng Nam ở. Vì chuyện đó mà Sư quyết chí về Bắc. Chúa Trịnh coi trọng sư thưởng nhiều vàng bạc, về sau cho đưa Sư về Sơn Tây, lúc này Sư đã 56 tuổi. Năm Canh Thìn 1700, Sư dời sang chùa Nguyệt Ðường, học trò theo học rất đông, nơi đây Sư làm hưng thịnh phái Trúc Lâm. Sư thường dạy chúng như sau: “Ngộ được tự tính mình thì chúng sinh là Phật, mê tự tính của mình thì Phật là chúng sinh. Giữ được tự tính mình bình đẳng thì chúng sinh là Phật, để tự tính mình gian hiểm thì Phật là chúng sinh.” Lại nói: “(Có những kẻ) Chỉ muốn tránh chỗ huyên náo, bỏ nơi hoạt động, cố phá từng cái tướng, tách từng mảnh bụi của mọi vật thể để tìm hiểu biết. Làm như thế tuy chỗ tĩnh lặng cốt ngộ lí không, nhưng không biết đó cũng là cái lối làm chôn vùi chân tính, lấp mất chân giác… Nếu biết quay ánh sáng soi lại nơi mình bỏ ngoại cảnh mà xem tự tâm, thì Phật nhãn sáng suốt, bóng nghiệp tự tan, Pháp thân hiện ra, những vết trần tự diệt… Cái bản thể của tâm và chân tướng của tính, vốn lặng lẽ chẳng phải có, chẳng phải không, không có sinh cũng không có diệt. Ta tìm nó thì không thấy, bỏ nó thì vẫn chẳng rời. Nếu ta mê cái hiện lượng của nó thì khổ sở lầm lẫn lăng xăng, nếu ngộ được chân tính của nó thì tinh thông sáng suốt. Tâm tức là Phật, Phật tức là tâm, song chỉ có người chứng ngộ mới biết.” Năm Ất Mùi Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715), ngày 13 tháng 5, Sư mặc áo ca-sa ngồi kết già an nhiên thị tịch, thọ 88 tuổi. Chùa Nguyệt Ðường là một thiền lâm lớn nhất trong nước. Sư để lại 16 tác phẩm giải thích các kinh Pháp hoa, Kim cương, A-di-đà…