hương cảng phật giáo

Phật Quang Đại Từ Điển

(香港佛教) Hương cảng, xưa gọi là Đồn môn thuộc huyện Tân an, tỉnh Quảng đông, Trung quốc, vào đời Đường, Đồn môn là của ngõ giao thương với vùng Nam hải. Năm 1842, triều đình nhà Thanh cắt nhượng đất này cho nước Anh, từ đó trở thành bến cảng quốc tế nổi tiếng ở phương Đông. Theo lịch sử thì thiền sư Bôi độ là người đầu tiên truyền Phật giáo vào Hương cảng, đạo tràng hoằng pháp của ngài là am Bôi độ và chùa Linh độ. Ngày nay vẫn còn các di tích như động Bôi độ, giếng Bôi độ, v.v… Sự tồn tại của Phật giáo ở Hương cảng gần như đồng thời với sự tồn tại của Phật giáo ở Quảng châu, chỉ có điều là Phật giáo Hương cảng không được phát đạt lắm. Từ năm 1911 trở đi, Phật giáo mới chính thức được truyền vào Hương cảng. Đầu tiên, năm 1916, có tổ chức hội Phật học; kế đến, có nhóm các ông Lư gia xương, v.v… thiết lập viện Cực lạc, pháp sư Mậu phong hoằng dương giáo nghĩa Thiên thai. Năm 1920, có pháp hội giảng kinh của đại sư Thái hư, ảnh hưởng của Phật giáo từ đó dần dần lan rộng. Năm 1925, hội Cư sĩ Lâm được thành lập, chủ yếu là để tuyên dương Mật giáo. Sau lại có những người dựa vào việc mở tiệm cơm chay để truyền bá Phật giáo Trung quốc, như các nơi ăn chay Bàn đào thiên, Vệ lạc quốc, Tiểu kì viên, v.v… đã hình thành một đặc sắc trong việc phát triển Phật giáo tại Hương cảng. Đồng thời các chùa viện Phật giáo vốn đã có từ trước ở Tân giới cũng dần dần được khôi phục, không kể là tăng sĩ hay cư sĩ, tất cả đều tích cực vận động phát triển Phật giáo, như việc thành lập Đa đa Phật học xã , chuyên hoằng dương Tịnh độ giáo. Ngoài ra, Trúc lâm thiền viện, Lộc dã uyển cũng được xây dựng, rồi lại có cư sĩ Trương liên giác sáng lập Đông liên giác uyển và Nữ tử Phật học viện, v.v… song song với sự thành lập hội Phật học Hương cảng, hội Thanh niên Phật giáo Hương cảng và sự phát hành Nguyệt san Nhân hải đăng khiến cho phong trào giảng kinh, hoằng pháp khá sôi nổi. Năm 1936, Y viện Đông hoa tổ chức Đại hội vạn thiện chúng duyên thủy lục , lần đầu tiên, do hòa thượng Hư vân chủ trì. Đến thời đó, các tông Thiên thai, Tịnh độ, Thiền tông, Mật tông, Pháp tướng (…)… đều lần lượt mở rộng về mọi mặt như hoằng pháp, tu trì, văn hóa, giáo dục Phật giáo (…) tất cả tương đối đã vững chắc. Nhưng đến khi đại chiến thế giới lần thứ 2 bùng nổ, thì mọi hoạt động của Phật giáo Hương cảng cũng bị ngưng trệ. Sau khi đại chiến thứ 2 kết thúc, Hương cảng dần dần đã khôi phục được quang cảnh phồn hoa như xưa. Sau khi cộng sản chiếm trọn lục địa Trung quốc vào năm 1949, thì rất nhiều tăng sĩ chạy sang Hương cảng, trong đó phần đông đã xây cất chùa viện hoặc tinh xá để an cư, đây cũng là một đặc sắc khác của Phật giáo Hương cảng. Hiện nay việc giáo dục tăng già cũng như một số công tác xã hội của Phật giáo Hương cảng đang phát triển. Như thư viện Năng nhân biến thành trường Đại học do giới Phật giáo điều hành; ngoài ra, cũng có các trường Trung học phổ thông như trường Bảo giác, trường Đại quang, v.v… rồi đến thư viện Phật giáo và các tạp chí Nội Minh , Phật Giáo Hương Cảng , v.v…, viện Từ ấu, viện An lão, nghĩa trang Phật giáo, Y viện Phật giáo… đều được mở rộng. Còn về phương diện đoàn thể Phật giáo cư sĩ thì có các hội như: Hội pháp tướng học, hội Kim cương thừa học, hội Pháp trụ học, v.v… Tóm lại, do cư dân ở Hương cảng phần lớn là người Quảng đông, cho nên thực chất của Phật giáo Hương cảng là sự mở rộng của Phật giáo Quảng đông. Nhưng từ vài mươi năm gần đây, do hình thái xã hội biến đổi, nên Phật giáo Hương cảng cũng khác với Phật giáo Quảng đông ngày xưa. [X. Hương cảng Phật giáo (Trương mạn đào, Phật quang học báo kì 2)].