Huệ Tư

Trích dịch từ Thần tăng truyện
Nguyên Nhứt-Đức Thuận

Sư họ Lý, người Vũ Tân, thuở nhỏ đã nổi tiếng là người nhân từ độ lượng. Có lần, sư mộng thấy một vị tăng người Thiên Trúc đến khuyên xa lìa thế tục. Tỉnh giấc, sư biết đây là điềm lành, liền từ biệt song thân xuất gia tu học. Sau khi xuất gia, nhiều lần mộng thấy thần tăng khuyên giữ trai giới, nên từ đó sư chỉ ăn ngày một bữa, không nhận thức ăn cúng riêng.

Lần nọ, có người làm cháy am tranh của sư, liền mắc bệnh nặng. Sau khi chí thành sám hối, người ấy mới được bình phục.

Có lần, sư mộng thấy mấy trăm vị tăng Thiên Trúc hình tướng và y phục kì lạ, bước lên tòa, dạy:

– Trước hết, ông phải thụ giới luật, nếu không thì đâu thể khai phát chánh đạo.

Sư lại thấy chúng tăng thiết lập đàn tràng, cầu thỉnh bốn mươi hai vị sư tăng làm pháp Yết-ma. Sau khi trao giới cụ túc, sư tỉnh giấc, mới biết mình thụ giới trong mộng. Sư còn mộng thấy Đức Phật Di-lặc đến thuyết pháp khai ngộ, vì thế sư thiết hai tượng để cúng dường. Lại mộng thấy mình cùng với ngài Di-lặc và chúng tăng cùng dự hội Pháp Hoa, nên lòng nghĩ thầm: “Ta sinh nhằm thời mạt pháp của Đức Thích-ca, thụ trì kinh Pháp Hoa, nay gặp đấng Từ Tôn hoát nhiên được khai ngộ, ta phải càng tinh tấn hơn”. Những điềm lành liên tiếp đến với sư, như: nước trong bình luôn đầy, thường được cúng dường đầy đủ, như có thiên đồng đứng hầu bên cạnh.

Từ núi Đại Tô, sư dẫn hơn bốn mươi vị tăng đi đến Nam Nhạc. Đến nơi, sư bảo với đồ chúng:

– Ta sẽ ở núi này mười năm, nhưng sau này có việc phải đi xa!

Sư lại nói:

– Đời trước ta từng sống nơi này, dẫn dắt đồ chúng tu tập.

Lên đỉnh núi, thấy một nơi có rừng và suối tuyệt đẹp, sư nói:

– Đây là ngôi cổ tự, nơi ta ở xưa kia!

Mọi người đào lên, quả nhiên có bình bát của tăng chúng và nền móng của ngôi bảo điện, dưới hai tảng đá có một di hài. Mọi người liền xây tháp thờ phụng, nay chính là ngôi tháp “Tam Sinh”.

Lại nữa, bên cạnh ngọn Linh Nham về phía đông, ngay trung tâm Đại Nhạc, sư xây một đài cao để giảng pháp Bát-nhã cho chúng tăng, nay chính là chùa Bát-nhã. Học đồ ở khắp nơi đều vân tập về đây tu học, sư lo không đủ nước để sinh hoạt, chợt nhìn thấy dưới núi có chỗ đất ẩm, sư dùng tích trượng dộng xuống, quả nhiên nước vọt lên thành một dòng suối nhưng chưa chảy quanh, bấy giờ có hai con hổ đưa sư lên núi, dậm chân xuống đất gầm rống thì bỗng nhiên suối nước tuôn chảy cùng khắp. Vì vậy, ngày nay người ta gọi đó là suối Hổ Bào[1].

Có người hỏi:

– Sao sư không xuống núi giáo hóa chúng sinh, mà chỉ ngắm nhìn mây trời để làm gì?

Sư đáp:

– Ba đời chư Phật đều bị ta nuốt hết thì có chúng sinh nào đáng được độ!

Phật học ở Giang Tả chuộng Nghĩa môn. Từ khi sư đến đây, thì môn định huệ song tu rất hưng thịnh, danh tiếng sư vang cùng khắp. Không lâu sau, một vị đạo sĩ sinh lòng ganh ghét, vu khống sư, tâu lên vua Trần, cho rằng sư là tăng phương bắc đến, nhận sứ mệnh nước Tề sang cắt đứt trung tâm Đại Nhạc, phá đá làm việc yêu tà. Vua bèn sai sứ tìm bắt sư. Sứ giả đến Thạch Kiều thì thấy hai con hổ dậm chân giận dữ và một con rắn lớn nằm chắn đường. Sứ giả hoảng sợ, lập thệ: “Ta nguyện gặp thiền sư Huệ Tư sẽ như gặp Phật, nếu sinh tâm xấu ác thì tùy các ngươi xử lý”. Nghe vậy, hổ và rắn liền nhường đường. Sứ giả gặp sư, lễ bái rồi trình bày lại mọi việc.

Trước khi sứ đến, sư thấy một con ong nhỏ đến đốt trên mặt mình, lập tức ong nhỏ kia bị ong lớn cắn chết, rồi ngậm đến trước sư. Sư nhập định quán chiếu mới biết nó có thù oán từ kiếp trước nay muốn đến hại mình. Sư bèn nói với sứ giả:

– Ông hãy về trước, bần đạo sẽ đến!

Bảy ngày sau, sư cầm tích trượng lướt trên hư không, bay đến khắp bốn cửa thành. Các quan canh cửa đồng tâu lên vua rằng sư đã đến hoàng cung, vua rất kinh ngạc. Lúc sư vào triều kiến, vua đích thân ra nghinh đón, và hỏi các quan cận thần:

– Các khanh thấy vị tăng này là người thế nào?

Các quan đồng đáp:

– Chỉ là vị tăng bình thường.

Vua bảo:

– Trẩm thấy vị tăng này đứng trên hoa báu, cỡi hư không đến đây.

Nói xong, vua thỉnh sư vào điện thiết lễ cúng dường. Đạo sĩ kia vì phạm tội khi quân, nên vua ra lệnh xử trảm, nhưng sư cầu xin:

– Đạo sĩ này đời trước có oán thù với tôi, nay xin bệ hạ hãy tha cho ông ta.

Vua chấp thuận và lệnh cho đạo sĩ phải theo hầu hạ sư. Sư từ biệt trở về núi, vua làm lễ lớn tiễn đưa.

Không lâu sau, những đạo sĩ vu khống sư, một người bị bạo bệnh chết, một người bị chó cắn chết, ứng với điềm sư bị ong chích trước đây. Từ đó, mỗi năm vua Trần ba lần gởi thư thăm hỏi hiếm quí không ai bằng. Sư thần dị khó lường, gặp mưa mà không ướt, đi trên bùn chẳng dơ chân, hoặc hiện thân lớn nhỏ, hoặc lặng lẽ ẩn hình.

Tháng sáu năm ấy, lúc sắp viên tịch, mấy ngày liền sư thuyết pháp và tha thiết răn nhắc, người nghe thảy đều xúc động. Đến ngày 22, sư từ giả đại chúng, an nhiên thị tịch. Sa-môn Linh Biện khóc thương thảm thiết, sư bèn mở mắt nói:

– Sao lại kinh động đến ta! Kẻ ngu si kia, hãy đi ra!

Nói xong, sư viên tịch.

Trích dịch từ Thần tăng truyện

Nguyên Nhứt-Đức Thuận

———————————–
4 Suối Hổ Bào 虎跑泉: suối ở núi Đại Từ, Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Vào thời nhà Đường, ngài Thích Tánh Không đến ở đây, lo lắng vì không có nước, có hai con hổ dậm chân xuống đất, suối vọt ra nên có tên như thế.