Huệ Tư

Từ Điển Đạo Uyển

慧思; C: huìsī; 515-577, cũng được gọi là Nam Nhạc Tôn giả (南嶽尊者), Tư Ðại Thiền sư (思大禪師);
Cao tăng Trung Quốc, môn đệ của sư Huệ Văn và là thầy của sư Trí Khải. Vì Trí Khải sau này về núi Thiên Thai sáng lập Thiên Thai tông nên Sư được xem là Tổ thứ ba của tông này sau Long Thụ (s: nāgārjuna) và Huệ Văn.
Sư họ Lí, người Vũ Tân (nay là huyện Thượng Thái, Hà Nam). Sư xuất gia lúc còn nhỏ sau khi chiêm bao thấy một vị tăng khuyên xuất thoát tục. Sư say mê tụng đọc kinh Diệu pháp liên hoa và ngoài việc khất thực, Sư tìm đến những chỗ trống hoang vắng, ở những gò mã, động huyệt chú tâm tụng trì kinh này. Tương truyền trong thời gian này – từ 7 đến 14 tuổi – Sư tụng kinh đến nỗi bệnh cũng tự biến, mộng thấy Phổ Hiền đến xoa đầu và sau đó đầu nổi lên nhục kế (cái chóp thịt trên đầu mà các tượng Phật hay được trình bày), văn tự chưa học mà tự nhiên thông. Trong khoảng thời gian từ 15-20 tuổi, Sư thụ giới cụ túc, tìm đến các nơi tham học và nhân đây, Sư gặp Huệ Văn và được truyền pháp “Nhất tâm tam quán”, tức là quán ba tính chất của chư Pháp là “Không, giả và trung”, một trong những giáo lí then chốt của Thiên Thai tông sau này. Sư tuân theo lời dạy của Huệ Văn, tinh tiến toạ thiền. Một hôm – mặc dù vẫn đang dày công tu tập – Sư tỏ vẻ hối tiếc vì đã để tuổi đạo luống qua, dựa lưng vào tường than thở thì bỗng nhiên ngộ được chân lí, đạt “Pháp hoa tam-muội.”
Sư đặc biệt chú trọng đến việc phụng thờ Phật A-di-đà và Bồ Tát Di-lặc và nhân khi tạo kinh Bát-nhã chữ vàng, Sư làm hộp lưu li tôn trì và nguyện rằng, khi đức Di-lặc ra đời thì kinh Bát-nhã chữ vàng này sẽ xuất hiện và được tuyên dương lần nữa. Sư là một trong những người đầu tiên đưa ra thuyết “thời kì mạt pháp” là thời kì suy vong của đạo Phật. Sư cũng đặc biệt chú trọng đến việc thực hành việc Toạ thiền và cả về việc nghiên cứu giáo lí được ghi chép lại trong Tam tạng kinh điển.
Năm 554, Sư đến Quang Châu khai đường thuyết pháp, hoằng hoá suốt 14 năm và từ đây, danh tiếng vang lừng. Nhưng cũng có nhiều người ganh ghét và nhiều lần muốn ám hại Sư bằng cách đầu độc. Tại núi Ðại Tô ở phía Nam của Hà Nam, Sư truyền pháp lại cho Trí Khải Ðại sư. Năm 568, khi đến Hành Sơn ở Hồ Nam, Sư bỗng nhiên ngộ được ba tiền kiếp của mình, ở lại đây hoằng giáo mười năm và vì thế Sư cũng mang danh hiệu là Nam Nhạc Tôn giả. Vua Tuyên Ðế cũng rất khâm phục tín ngưỡng nên ban cho Sư danh hiệu Ðại Thiền sư và vì vậy Sư cũng được gọi là Tư Ðại Hoà thượng hay Tư Ðại Thiền sư.
Năm 577, Ðinh Dậu, ngày 22 tháng 6, Sư ngồi yên an nhiên thị tịch. Vị Tổ của Luật tông là Ðạo Tuyên viết về Sư như sau trong Tục cao tăng truyện: “Phụng trì Bồ Tát giới, không thị biệt thỉnh, không nhận biệt cúng. Mặc áo vải thô, lạnh thì dùng áo độn cỏ, ăn thì ngày một bữa. Thường ở núi rừng, đêm thì tư duy, ngày phu diễn, phát ngôn sâu xa. Nhân định mà phát huệ, điều này thấy rõ nơi Tôn giả Huệ Tư.”
Các tác phẩm của Sư còn được lưu lại: 1. Pháp hoa kinh an lạc hạnh nghĩa; 2. Chư pháp vô tránh tam-muội pháp môn; 3. Ðại thừa chỉ quán pháp môn; 4. Tứ thập nhị tự môn; 5. Thụ Bồ Tát giới nghi; 6. Nam Nhạc Tư Ðại Thiền sư lập thệ nguyện văn.