huệ quả

Phật Quang Đại Từ Điển

(惠果) (746-805) Vị cao tăng Trung quốc sống vào đời Đường, người huyện Chiêu ứng, phủ Kinh triệu, tỉnh Thiểm tây, họ Mã, người đời gọi sư là Thanh long A xà lê. Là Tổ thứ 7 của Mật giáo được phó pháp. Sư vào đạo từ thủa nhỏ, mới đầu, sư theo ngài Đàm trinh học tập các kinh. Năm 17 tuổi, sư theo ngài Đàm trinh vào Nội đạo tràng tu tập, sư tỏ ra xuất sắc hơn người nên được ngài Tam tạng Bất không khen ngợi và truyền trao pháp yếu Tam mật. Năm 20 tuổi, sư chính thức xuất gia thụ giới Cụ túc. Sư lại thụ các pháp Thai tạng và Tô tất địa nơi ngài Huyền siêu, đệ tử của Tam tạng Thiện vô úy, thụ mật pháp Kim cương giới nơi ngài Bất không. Sư dung hội 2 pháp này mà lập ra thuyết Kim Thai Bất Nhị . Từ đó về sau, sư thường được vua Đại tông thỉnh vào Nội đạo tràng để tu pháp, đồng thời kế vị ngài Bất không làm Quán đính Quốc sư viện Đông tháp chùa Thanh long, vì thế sư cũng được gọi là Hòa thượng Thanh long. Sư lần lượt làm Quốc sư của 3 triều vua: Đại tông, Đức tông và Thuận tông, danh đức vang lừng và được bội phần sùng kính. Sư thông hiểu các kinh Hiển mật, nội ngoại và hết sức dìu dắt lớp người sau, cho nên môn đồ từ khắp nơi về học, thường đến vài nghìn người. Các vị tăng nước ngoài đến Trung quốc cầu pháp vào thời ấy, phần lớn theo sư học giáo nghĩa Mật tông. Sư từng truyền pháp cho các vị Không hải, người Nhật, Huệ nhật, Ngộ châu, v.v… người Tân la, khi trở về, các vị này đã đem Mật tông về truyền bá tại nước họ. Về sau, tông Chân ngôn Nhật bản xếp sư vào bậc thứ 8 trong 8 vị Tổ tương thừa của Mật giáo, cho nên trong lịch sử của Mật giáo sư đã chiếm một địa vị quan trọng. Hai bộ Mạn đồ la và các đạo cụ bí mật của các pháp tu khác do Không hải truyền đều là do sự chỉ dạy của sư. Niên hiệu Vĩnh trinh năm đầu (805) sư tịch, thọ 60 tuổi. Sư Không hải vâng sắc chỉ của vua soạn văn bia. Tác phẩm của sư gồm có: Thập bát khế ấn, A xà lê đại mạn đồ la quán đính nghi quĩ, Đại nhật Như lai kiếm ấn, Kim cương giới, Kim cương danh hiệu. [X. Đại đường thanh long tự tam triều cung phụng đại đức hành trạng; Huệ quả hòa thượng hành trạng; Phật tổ thống kỉ Q.29, Q.41; Hoằng pháp đại sư ngự truyện Q.thượng; Chân ngôn truyện Q.1].