10. HUỆ KHẢ CẦU ĐẠO

Kính thưa quý vị,

Hôm nay tôi nói về Huệ Khả cầu đạo, tức là gián tiếp nói sơ lược về nguồn Thiền Trung Hoa.

Thần Quang pháp danh là Huệ Khả, chàng thanh niên tuấn tú, phú quý giàu sang, ở đất Lạc Dương, làu thông học thuyết Nho Lão, uyên thâm kinh điển cổ kim, đang được đời trọng vọng. Ở cái tuổi trung niên danh vọng đang lên, một hôm trong lúc đàm đạo với bạn đồng môn, bỗng đăm chiêu nhìn trăng qua rặng trúc, thốt lên: “Nho học chấp có, Lão học chấp không. Dạy người lẩn quẩn trong vòng mông muội”. Rồi từ đó Thần Quang chuyên tâm tìm đọc kinh Phật, đem hết tâm thành tìm đến núi Cao Tung chùa Thiếu Lâm tầm sư học đạo. Người tài hoa danh vọng giàu sang mà có tâm tìm thầy học đạo thật là ít có trên đời!

Rặng núi Cao Tung trùng điệp. Chùa Thiếu Lâm ẩn sâu bên trong trùng trùng điệp điệp đá cây cao chơm chởm. Lớp lớp vách đá sừng sững toát ra khí lạnh căm căm. Trên không trung cuồn cuộn tuyết bay phơi phới, từ từ rơi nhẹ nằm yên trên mặt đất. Tuyết rải khắp đầu cây ngọn cỏ. Vạn vật phủ đầu một màu trắng xoá. Từng cơn gió lạnh buốt rít lên, càng làm tăng thêm vẻ cô liêu tịch mịch của ngọn núi Cao Tung hoang dã.

Tiếng chuông chùa Thiếu Lâm từ rặng núi cao thẳm vang vọng ngân nga, âm ba như lượn theo đà cao thấp, trải dài trên những đỉnh núi trùng điệp, chan hòa trong không gian, tạo nên âm hưởng linh thiêng huyền diệu, mang lại nguồn sinh động ấm cúng phần nào cho dãy núi xanh thẳm cô liêu tịch mịch từ lâu băng giá. Tiếng chuông chùa mỗi lúc một ngân dài như khuyên lơn, như nhắn nhủ người đời đang còn lặn hụp trong chốn thương hải tang điền, thế gian huyễn mộng, thân tâm đọa đày phiền lụy. Tiếng chùa Thiếu Lâm đối với người có tâm tầm đạo như khích lệ, như thúc dục hành giả khắc phục chướng duyên, để hùng dũng bước lên trên đường chánh đạo giải thoát, nên gấp gấp hồi đầu cảnh Phật.

Có ai biết trong cảnh tịch cô liêu băng tuyết của núi thẳm rừng sâu, điệp trùng ghềnh thác kia, có vị thiền tăng Đạt ma cốt cách dị thường đã câm lặng bao tháng ngày ngồi đối diện vách, tĩnh tọa tham thiền trên chiếc bồ đoàn nâu cũ, đầu thẳng lưng, ước chừng mấy độ xuân thu, trầm tư bất động. Người biểu lộ phong thái trầm tĩnh cương nghị quyết tâm không sờn lòng trước cảnh vật đổi dời theo tiết tuyết sương, tưởng chừng như nhân vật trong bức tranh thủy mặc. Bên cạnh con người trầm tư sâu thẳm Đạt Ma, là học giả Thần Quang, tuổi đời đang độ tứ tuần lẻ một, trong tư thái đĩnh đạt trang trọng quì gối chấp tay lặng lẽ hầu chờ trao truyền một cái gì cao siêu từ con người huyền bí kỳ diệu của Đạt Ma kia, mà người đời không thấu hiểu nổi.

Tháng ngày thấm thoát trôi qua, Thần Quang cứ thế quyết tâm trước sau như một, lặng lẽ quì hầu gần ngót chín năm, Tuyết phủ lấp gối, chân đã chai bầm, nhưng ngoài cái tư thế trầm lặng của Đạt ma ra, Thần Quang chưa tiếp nhận được một lời khai thị nào cả. Đó đây, trên khắp đầu cây ngọn cỏ, rộng dài phủ lấp đỉnh núi rừng già lớp lớp tuyết băng, một màu trắng bạc. Khí trời buốt lạnh căm căm, mỗi lúc một thấm sâu vào da thịt tê nhức như kim đâm dao cắt. Tuyết ngập mỗi lúc mỗi dầy. Toàn thân tê cóng. Thần Quang bất giác buông nhẹ hơi thở thương thân phận mình.

Lão tăng Đạt Ma đang trong thiền định, bỗng nhiên ngoáy đầu lại, nhìn thẳng vào người Thần Quang, cất tiếng hỏi:

– Người có điều chi mà quỳ đó?

– Bạch sư phụ: Đệ tử quì hầu cầu đạo trải qua đã chín độ xuân thu, lá hoa nở tan mấy lượt, mà vẫn chưa được sư phụ cho lấy nửa lời khai thị Phật tánh, để đệ tử mở màn vô minh.

– Được! Chừng nào tuyết trắng thành hồng thì sẽ liễu thông lý đạo.

Lão tăng Đạt Ma mở miệng chỉ bấy nhiêu lời rồi im bặt. Cảnh vật lại chìm vào không tịch. Cảnh trí của chốn rừng hoang vu bốn bề bao phủ lấy hai tâm hồn cùng nhịp điệu thao thức cho mạng mạch nguồn tuệ giác. Tâm thành cầu đạo của Thần Quang mỗi lúc một chuyển động, như mạch sóng ngầm đại dương với câu “chừng nào tuyết trắng thành hồng …” Dòng tâm thức của Thần Quang mỗi lúc mỗi dập dồn như sóng cồn chổi dậy.

Đột nhiên, thanh đao sáng ngời từ người Thần Quang vung lên, nhanh như lằn điện chớp, liền đó cánh tay trái của Thần Quang lìa thân, máu phun thành vòi tứ tung trên mặt đất. Không mấy chốc tuyết trắng nhuộm hồng. Thần sắc của Thần Quang sáng ngời tươi tỉnh trong tư thái trầm tư từ hòa, nhưng nghị lực cương quyết hơn bao tháng ngày quỳ bên thầy cầu ngộ lẽ đạo.

Trước sức kiên nhẫn với lòng chí thành quyết tâm cầu thầy khai thị tuệ tâm của Thần Quang, mà Đạt Ma thiền tổ vẫn thái độ lặng lẽ như thuở nào! Thêm vào đó phản ứng tự nhiên của cơ thể xương thịt bị cắt, ray rứt trước sức hành phạt của băng tuyết khí rừng. Thần Quang trải bày tâm cang mà quên đi từng cơn đau nhức chạy khắp thân xác, cùng với máu đào thấm khắp mặt đất đầy băng, bảo sao Thần Quang không cảm thấy lòng cuồn cuộn trào dâng nỗi niềm thương xót chính nghiệp duyên mình xen lẫn trong hơi thở nhẹ rên than, mang theo lời tâm sự khẩn thiết:

– Bạch sư phụ, tuyết trắng đã thành hồng!

Trước cảnh tuyết nhuộm máu đào với lòng thành kính cầu đạo, thiền tổ Đạt ma thâm trầm cảm động, nhìn thẳng vào người Thần Quang mà rằng:

– Vậy ngươi muốn cầu điều chi?

– Bạch sư phụ, suốt bao năm tháng quì hầu bên thầy, dù phải mất thân mạng này, đệ tử vẫn không màng, chỉ có hoài bảo duy nhất là một lòng cầu chân đạo vô thượng, Thần Quang từ tốn đáp.

– Vì nguyên nhân nào, con muốn cầu chân đạo vô thượng?

– Bạch sư phụ, vì tâm con không được an.

– Ông đem tâm đến đây, ta an cho.

– Thần Quang vừa nghe đến câu “đem tâm đến đây ta an cho” như đinh đóng vào trụ đồng. Như chẻ tre qua mắc.

Như làn điện xẹt giữa bầu trời mây đen dầy đặc. Bấy giờ tâm thức của Thần Quang bừng tỉnh ngộ, tìm lại chân tâm nơi mình từ đầu đến chân, từ chân đến khắp các bộ phận cơ thể. Mỗi niệm mỗi niệm tương tục. Từ vọng niệm đến chơn niệm, xuyên qua thời gian khắp không gian, sơn cùng thủy tận, miên man tìm cầu, nhưng không thấy tâm đâu cả. Chỉ còn thấy cõi lòng mênh mang:

– Bạch sư phụ, tìm mãi mà con vẫn không thấy tâm đâu cả!

Thần Quang không cách nào tìm được tâm, chỉ còn biết đáp đúng trạng thái tâm thức của mình lúc ấy. Giọng đáp mang đầy ưu tư.

Đạt Ma và Thần Quang cả hai lại chìm trong trạng thái tâm tư sâu thẳm không lời. Hai con người lặng thinh, nhưng tâm thức nhịp điệu nguồn sống tuệ tâm vô tận. Lúc ấy tưởng chừng không gian ba động tĩnh lặng, vũ trụ ngừng xoay. Vạn vật tiềm tàng nguồn sống. Đến cả tiếng gió rít từng cơn qua khe vách đá, trời mưa hoa tuyết, chuông chùa Thiếu Lâm Tự ngân vang trong đêm khuya, tất cả như lắng chìm vào cõi tĩnh. Giữa bầu không khí tịch tĩnh bao la, sự cô tịch hoàn toàn trùm cả núi rừng Thiếu Lâm Tự, bỗng không gian rền vang tiếng nói thanh sảng:

– Ta đã an tâm cho người rồi đó!

Tiếng nói Đạt ma vừa dứt. Sự im lặng trùm khắp vạn vật núi rừng liền phá tan. Mọi sinh linh như hoàn hồn sinh động. Mầu nhiệm thay, Thần Quang tâm thức bừng sáng ngay khi tiếng khai thị “an tâm” của Đạt Ma, tức khắc Thần Quang tiếp nhận nguồn sống an lạc thênh thang vô tận, đạt ngộ tự tánh chơn tâm ngời sáng của mình.

Thần Quang vui mừng như người vừa tìm được lối thoát tự rừng sâu; như thuyền trong bể cả diệu vợi thoát ra lớp lớp mây mù trong đêm, thấy được ngọn hải đăng sáng chiếu. Lạ thật! Nào ngờ tâm an thì loạn động mất. Vọng niệm dứt thì chơn tâm hiển lộ, thấu ngộ chân lý, suốt rõ cội nguồn của bản tâm và vạn loại sinh linh.
Thần Quang thốt lên: Ôi Lý đạo nhiệm mầu thay, ngay chính mình sẵn có mà không tự thấy Phật tâm của chính mình, không tự nhận biết có Phật tánh.

Ngay khi được ấn tâm ngộ đạo, tự nhiên khắp thân người Thần Quang phơi phới tỏa ra nguồn sáng an lành, tâm trí quang minh tĩnh mát kỳ diệu. Thần Quang lạy tạ ân đức sư phụ đã khai thị cho.

Đạt Ma thiền tổ đặt tên cho Thần Quang là Huệ Khả, truyền trao bốn quyển kinh Lăng Già và y bát, dạy rằng: “Trong truyền tâm pháp để ấn chứng tâm. Ngoài truyền y bát để định tông chỉ truyền thừa giác ngộ. Kế tiếp ta, con phải hết sức duy trì mở mang đạo thiền. Dạy xong, Đạt Ma phó chúc kệ rằng:

Ta nguyện đến xứ này
Truyền pháp cứu mê tình,
Một hoa nở năm cánh,
Kết quả tự nhiên thành.

Về sau, gặp thời pháp nạn Châu Võ phá hủy Phật giáo, Huệ Khả đã dùng đến tánh mạng của chính mình để bảo trì mạng mạch Phật pháp, hầu mong hoàn thành tâm nguyện vĩ đại cầu pháp của mình. Nhờ đó, ngọn đèn thiền được miên viễn sáng soi khắp cõi trần thế và rạng tỏ muôn phương đến ngày nay.